Nhờ có NHCSXH càng rõ ý Đảng, lòng dân

13/08/2013
(VBSP News) Trên phạm vi cả nước, có lẽ ít có huyện nào lại nghèo khó như huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi). Là một huyện thuộc diện 30a, cho đến nay Sơn Tây vẫn chưa có thị trấn, cả huyện duy nhất chỉ có một nhà máy thủy điện đang xây dựng với công suất 125MW. Về lĩnh vực tài chính, Sơn Tây không có nguồn thu và duy nhất cũng chỉ có một ngân hàng, đó là sự hiện diện của NHCSXH hoạt động trên địa bàn.
Đồng bào dân tộc thiểu số Kdong, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây đang phát triển chăn nuôi trâu để xóa nghèo

Đồng bào dân tộc thiểu số Kdong, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây đang phát triển chăn nuôi trâu để xóa nghèo

Sơn Tây có 9 xã, với 4.953 hộ, gồm 3 dân tộc Kdong, Hre và Kinh (trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới gần 92%) sống rải rác trên các sườn núi cao dãy Trường Sơn. Nhiều xã chưa có đường giao thông liên thôn, liên xóm, chủ yếu là những lối mòn, con người đi lâu thành đường. Tập quán canh tác giản đơn, lạc hậu, kinh tế chủ yếu tự cung, tự cấp… Khó khăn là vậy, nhưng 10 năm qua NHCSXH đã đồng hành cùng đồng bào các dân tộc Sơn Tây. NHCSXH huyện có trụ sở đặt tại xã Sơn Dung, 9 xã đều có Điểm giao dịch phục vụ nhân dân vào một ngày cố định trong tháng, bất kể ngày đó mưa hay nắng, là ngày nghỉ, thứ bảy hay chủ nhật. Cách làm tận tâm của cán bộ tín dụng ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí đi lại cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Dư nợ đến 30/6/2013 đạt 72.376 triệu đồng, với 5.850 hộ còn dư nợ. 10 năm qua nguồn vốn từ NHCSXH đã góp phần tích cực, tạo động lực cho 1.906 hộ thoát nghèo; 4.477 lao động có việc làm, trong đó có 73 lao động đi làm việc ở nước ngoài; 194 HSSV được vay vốn đi học các trường đại học, cao đẳng; 684 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng; 2.208 hộ nghèo được vay vốn làm nhà ở theo Quyết định 167 của Chính phủ. Đến nay, huyện Sơn Tây cơ bản đã xóa được đói và từng bước giảm nghèo bền vững.       

Huyện Sơn Tây có địa hình phức tạp, đồi núi dốc. Trước đây, cuộc sống của người dân chủ yếu đốt rừng, phát nương làm rẫy nên cuộc sống thiếu đói thường xuyên. Hướng tới xóa nghèo bền vững, Đảng bộ, chính quyền huyện xác định phát triển nông - lâm nghiệp là trọng tâm của nền kinh tế, để đảm bảo lương thực cho cuộc sống nhân dân. Biến mục tiêu thành hiện thực, huyện vận động toàn dân khai hoang, phục hóa phát triển diện tích lúa nước, tạo điều kiện để mọi người dân đều có ruộng sản xuất. Nếu như, năm 1994 khi mới tái lập huyện, toàn huyện có 227ha lúa nước, gần 590ha lúa rẫy gieo cấy một vụ bấp bênh, sản lượng lương thực chỉ đạt hơn 1.700 tấn, bình quân lương thực đạt gần 130kg/người/năm; đến 30/6/2013 toàn huyện có 191,5ha lúa nước, năng suất bình quân 37,8tạ/ha, sản lượng lương thực đạt 2.990 tấn, bình quân lương thực tăng lên 336kg/người/năm. Đảm bảo được nguồn lương thực tại chỗ, tập tục phá rừng làm nương rẫy ở huyện vùng cao Sơn Tây đã hạn chế đáng kể; đến nay, diện tích lúa rẫy toàn huyện chỉ còn 120ha, giảm gần 470ha so với năm 1994. Có được thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của NHCSXH.

Cùng với khai hoang mở rộng diện tích lúa nước, huyện Sơn Tây đang chú trọng hướng dẫn bà con các dân tộc phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng rừng nguyên liệu. Huyện đang đề nghị NHCSXH tăng thêm nguồn vốn cho đồng bào vay, góp phần chuyển dần từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa.

Qua 10 năm hoạt động, lãnh đạo huyện Sơn Tây đánh giá cao vai trò của NHCSXH: “Sự ra đời của NHCSXH là hợp ý Đảng, lòng dân. Đặc biệt, tại huyện nghèo Sơn Tây, nếu không có NHCSXH thì nhân dân không có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đồng vốn của NHCSXH đã góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác