Đề nghị hỗ trợ nhà ở cho 100 nghìn hộ nghèo ngay trong năm 2013
Trước đó, kết luận tại Hội nghị tổng kết Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, diễn ra ngày 19/7/2012 tại tỉnh Bắc Ninh, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo: “Tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg giai đoạn 2. Yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát, thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng theo chuẩn nghèo mới, đặc biệt là cho mở rộng các mô hình hỗ trợ có hiệu quả trong giai đoạn 1, tập trung nguồn lực thực hiện để đến năm 2015 có thể tổng kết giai đoạn 2”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, xây dựng đề án, đồng thời trình Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới (giai đoạn 2011 - 2015).
Theo nội dung Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ mà Bộ Xây dựng đã trình thì việc hỗ trợ được thực hiện theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp và tự tổ chức xây dựng nhà ở. Nguồn vốn hỗ trợ gồm: Vốn ngân sách Nhà nước, vốn vay ưu đãi, vốn huy động từ cộng đồng và đóng góp của hộ gia đình được hỗ trợ. Mức đề xuất hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước là 10 triệu đồng/hộ (đối với hộ thuộc vùng khó khăn là 12 triệu đồng/hộ; hộ thuộc thôn, bản đặc biệt khó khăn là 14 triệu đồng/hộ); riêng đối với những hộ đã được hỗ trợ nhà ở nhưng nay nhà ở đã bị sụp đổ, hư hỏng thì mức hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ nói trên.
Theo kết quả điều tra khảo sát và báo cáo của các địa phương thì tổng số hộ nghèo có khó khăn về nhà ở khoảng 500 nghìn hộ. Như vậy, số vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ vào khoảng 5 nghìn tỷ đồng. Về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương thì thực hiện theo Văn bản số 677/TTg-KTTH ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian thực hiện trong 3 năm, từ năm 2013 đến 2015.
Hầu hết các Bộ, ngành và các địa phương có ý kiến góp ý đều thống nhất với Dự thảo cơ chế, chính sách mà Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị chưa trình Thủ tướng Chính phủ chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2011 - 2015, nếu có trình thì đề nghị thực hiện từ năm 2014. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị cơ cấu nguồn vốn thực hiện gồm: Vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương và vốn huy động từ cộng đồng và của người dân.
Bộ Xây dựng nhận định, quá trình triển khai thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở cho thấy cơ chế và chính sách hỗ trợ (trong đó có quy định về nguồn vốn hỗ trợ gồm: ngân sách Nhà nước, ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương, vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, vốn giúp đỡ từ cộng đồng và đóng góp của hộ gia đình) đã đảm bào phù hợp với thực tế và có tính khả thi. Do đó, kết quả thực hiện chính sách đã đạt được hiệu quả rất cao, đồng thời gây hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Thực tế cũng cho thấy, hầu hết các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao đều là những địa phương nghèo nên không có điều kiện bố trí ngân sách địa phương để hỗ trợ. Mặt khác, hiện nay việc huy động sự giúp đỡ từ cộng đồng, mà chủ yếu là huy động từ các doanh nghiệp cũng không đạt nhiều kết quả như trước kia, do đó nếu như không có vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương thì việc triển khai thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Bộ Xây dựng vẫn bảo lưu đề nghị tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo theo chuẩn nghèo mới của cơ chế, chính sách mà Bộ này đã trình Thủ tướng Chính phủ.
Bách Nguyễn
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » “Chìa khóa” thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn
- » Mèo Vạc chăn nuôi bò hàng hóa
- » Điểm tựa của người nghèo
- » Mô hình nuôi thủy sản hiệu quả ở rừng ngập mặn
- » Nhờ có NHCSXH càng rõ ý Đảng, lòng dân
- » Mỹ Hương thoát nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng
- » Mở tương lai tươi sáng cho hộ nghèo
- » Vốn về vùng tái định cư
- » Tạo đà cho thanh niên vượt khó làm giàu
- » Đồng vốn đi vào cuộc sống