Vốn ngân hàng hỗ trợ thanh niên lập nghiệp

20/08/2013
(VBSP News) So với các tổ chức hội, đoàn thể khác, vốn ưu đãi cho vay ủy thác qua Đoàn Thanh niên chưa nhiều, nhưng 10 năm qua dư nợ của NHCSXH cho vay qua Đoàn Thanh niên tăng cả về khối lượng tín dụng và số lượng các chương trình cho vay.
Nhiều thanh niên ở tỉnh Yên Bái sử dụng vốn ưu đãi hiệu quả

Nhiều thanh niên ở tỉnh Yên Bái sử dụng vốn ưu đãi hiệu quả

Dư nợ cho vay ủy thác tăng cao

Nếu như cuối năm 2003 dư nợ cho vay ủy thác là 62,9 tỷ đồng với duy nhất Chương trình cho vay hộ nghèo, thì đến 30/6/2013, dư nợ là 11.813 tỷ đồng. Hiện nhiều đơn vị có dư nợ ủy thác cao là Nghệ An 550 tỷ đồng, Thanh Hóa 476 tỷ đồng, Lào Cai trên 400 tỷ đồng, Sơn La 395 tỷ đồng.

Theo ông Hà Văn Chung - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên (Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), từ khi NHCSXH được thành lập và đi vào hoạt động, Đoàn Thanh niên luôn xác định công việc nhận ủy thác không chỉ góp phần chuyển tải vốn tín dụng nhanh chóng, thuận tiện đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, mà còn có tác động lớn tới công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp đoàn viên thanh niên xây dựng tổ chức đoàn vững mạnh.

Thông qua việc giải ngân, vốn ủy thác từ NHCSXH còn giúp cho Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có thêm nguồn lực để góp phần thực hiện hai phong trào lớn: “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội” và “4 đồng hành cùng thanh niên trên con đường lập thân, lập nghiệp”. “Vì vậy, ngay sau khi ký văn bản liên tịch, văn bản thỏa thuận với NHCSXH, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ban hành các văn bản hướng dẫn, tổ chức hội nghị triển khai, quán triệt, chỉ đạo các cấp bộ Đoàn ký văn bản liên tịch, văn bản thỏa thuận với NHCSXH địa phương”, ông Hà Văn Chung nhấn mạnh.

Mười năm qua, Đoàn Thanh niên các cấp đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương thường xuyên tiến hành sắp xếp, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Đến hết tháng 6/2013, Đoàn Thanh niên đang quản lý 22.472 Tổ tiết kiệm và vay vốn, hơn 732 nghìn hộ vay vốn. Quy mô Tổ tiết kiệm và vay vốn được nâng lên hợp lý, năm 2003 bình quân một tổ hơn 18 thành viên, số dư nợ khoảng 3 triệu đồng/thành viên, thì nay quy mô tổ bình quân có hơn 32 thành viên, dư nợ bình quân hơn 16 triệu đồng/hộ.

“Việc quản lý nợ và thu hồi nợ quá hạn được Đoàn các cấp coi trọng. Cuối năm 2004, sau khi NHCSXH hoàn tất việc nhận bàn giao từ NHNo&PTNT, nhiều địa phương có tỷ lệ nợ quá hạn cao, nhưng Đoàn các cấp đã tích cực phối hợp với NHCSXH và chính quyền cơ sở để phân loại và đôn đốc thu nợ, nên nợ quá hạn giảm nhanh”, ông Hà Văn Chung đánh giá.

Những nỗ lực từ địa phương

Là một trong những địa phương cho vay ủy thác qua Đoàn Thanh niên khá hiệu quả, anh Nông Bình Cương - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Bắc Kạn cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn thường xuyên chỉ đạo các Huyện đoàn phối hợp chặt chẽ với NHCSXH các huyện để đảm bảo thực hiện nghiêm túc các công đoạn ủy thác và làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi. Đến nay, đã có 101 trên tổng số 122 Đoàn cấp xã nhận ủy thác.

Một số mục tiêu Đoàn Thanh niên đặt ra với công tác nhận ủy thác vốn vay ưu đãi từ NHCSXH:

 

- Phấn đấu đạt mức tăng trưởng dư nợ ủy thác của Đoàn hằng năm bằng hoặc cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác của NHCSXH (khoảng 10%/năm).

- 100% Tổ tiết kiệm và vay vốn có hoạt động tiết kiệm tự nguyện, tỷ lệ thành viên tham gia gửi tiết kiệm đạt 95% trở lên.

- Phấn đấu hằng năm không có Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại yếu kém; số tổ đạt loại tốt chiếm từ 65% trở lên.

Còn tại Lào Cai, anh Hà Đức Minh - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Lào Cai nhấn mạnh, để nguồn vốn hiệu quả, trong 10 năm qua, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với chi nhánh NHCSXH, các ngành trên địa bàn tỉnh tổ chức 22 lớp tập huấn cho 1.780 cán bộ chuyên trách và đoàn viên thanh niên về công tác ủy thác lồng ghép với phát triển công tác đoàn.

Đến nay, Lào Cai đã có trên 11 nghìn lượt cán bộ Đoàn và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn được tập huấn nâng cao nghiệp vụ; 23.400 đoàn viên thanh niên được tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt.

Tuy nhiên, theo anh Hà Đức Minh do địa hình của Lào Cai đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt nên hoạt động chưa mạnh. Toàn tỉnh còn khoảng 22 xã nên Đoàn Thanh niên vẫn chưa ký ủy thác với VBSP, tổng dư nợ trên địa bàn thấp, chỉ khoảng từ 1 đến 2 tỷ đồng/xã.

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động ủy thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác qua Đoàn Thanh niên, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đề nghị: Ban chấp hành Đoàn các cấp cần làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện ủy thác, nhất là những địa phương chất lượng dịch vụ ủy thác còn thấp.

Đảm bảo thực hiện đầy đủ những nội dung liên tịch và thỏa thuận đã ký với NHCSXH. Đoàn cấp tỉnh, huyện và xã đều phải phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách và ít nhất có 1 cán bộ chuyên trách theo dõi ổn định; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền cơ sở tiếp tục củng cố kiện toàn Tổ tiết kiệm và vay vốn theo đúng quy chế do Hội đồng quản trị NHCSXH ban hành; nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đặc biệt, Đoàn Thanh niên cấp huyện và cấp xã cần chủ động phối hợp với NHCSXH đánh giá, phân loại Tổ tiết kiệm và vay vốn hàng năm. Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra của Đoàn cấp trên đối với cấp dưới về tổ chức thực hiện ủy thác.

Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền tới cán bộ, đoàn viên thanh niên, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tích cực giới thiệu những gương điển hình trong tổ chức thực hiện ủy thác trong sử dụng vốn vay với nhiều hình thức, phương pháp phù hợp hiệu quả.

Bài và ảnh Đức Nghiêm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác