Vốn tín dụng HSSV phát huy hiệu quả dưới chân đèo An Khê

23/08/2013
(VBSP News) Đèo Vẳng là tên gọi của cụm dân cư số 10 nhỏ bé, có tỷ lệ hộ gia đình nghèo khá cao, lại ở dưới chân đèo An Khê. Tuy nằm trong vùng khó khăn, nhưng công tác giáo dục luôn được bà con nơi đây ưu tiên số một, điều đó được chứng minh qua các kỳ thi, số lượng học sinh nơi đây đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp ngày càng nhiều và nâng đỡ các em trên con đường học tập luôn có nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước.
Vốn vay ưu đãi đã về với bà con cụm dân cư

Vốn vay ưu đãi đã về với bà con cụm dân cư

Chị Nguyễn Thị Băng Tâm, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 10, cho biết: “Cụm dân cư Đèo Vẳng có trên 100 hộ dân mà đã có tới 52 em đã và đang theo học ở các trường đại học, cao đẳng tại TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng,… trong đó có 21 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn về tài chính đang sinh hoạt ở Tổ tiết kiệm và vay vốn. Chúng tôi đã được thụ hưởng Chương trình tín dụng HSSV với số vốn vay hơn 500 triệu đồng, bình quân mỗi hộ là 25 triệu đồng để đầu tư việc học hành cho con em”.

Cũng theo chị Băng Tâm, ở đây có đến 10 gia đình có 2 con học đại học. Sự khởi sắc trong học tập của lớp trẻ ở cụm dân cư xa xôi, nhỏ bé này được xuất phát từ truyền thống hiếu học và được sự tiếp sức rất hiệu quả, thiết thực của Chương trình tín dụng HSSV. Hầu hết các gia đình công nhân viên chức đến những gia đình làm ruộng, buôn bán nhỏ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo… ở cụm dân cư Đèo Vẳng có con đỗ đại học, cao đẳng đều được tạo điều kiện vay vốn ưu đãi của NHCSXH thị xã An Khê (Gia Lai) để chăm lo việc học hành của con em họ. Tiêu biểu như gia đình bà Đặng Thị Thương, cuộc sống tuy còn khó khăn nhưng nhờ 4 năm liền được vay 35 triệu đồng vốn ưu đãi từ Chương trình tín dụng HSSV, ông bà đã quyết tâm lo cho 2 cô con gái học hành đến nơi đến chốn tại trường Đại học Sư phạm và Đại học Kinh tế. Năm ngoái, cả 2 cháu đã tốt nghiệp, tham gia dạy học và thiết kế dự án tận vùng cao biên giới, đã dành dụm chi tiêu giúp bố mẹ hoàn trả nợ vay ngân hàng trước thời hạn. Hoặc gia đình bà Huỳnh Thị Giang, 57 tuổi, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét vay vốn NHCSXH để cho cậu con cả Trần Quốc Hùng xuống TP. Hồ Chí Minh học Đại học Bách khoa. Từ năm 2010 và tháng 9/2012, bà Giang lại được vay thêm hơn 10 triệu đồng đầu tư việc theo học tại Học viện Tài chính của cô con gái Trần Thu Trang.

Cũng cần kể đến trường hợp nhà anh Đinh Viết, người dân tộc Gia Rai, vốn đã nghèo lại đông con, trong khi đó, thu nhập của gia đình chỉ trông vào 5 sào đất trồng mía và đậu bắp. Cuộc sống tuy chật vật nhưng anh vẫn kiên trì động viên con cái phấn đấu học tập. Bù đắp công lao dạy bảo của bố mẹ, người con đầu của anh Đinh Viết đã học giỏi, thi đậu vào 2 trường đại học ở Đà Nẵng. Cũng vào thời điểm ấy, NHCSXH thị xã An Khê triển khai Chương trình cho vay HSSV theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã làm “bà đỡ” vững chắc cho anh và bà con trong cụm dân cư thêm yên lòng, phấn khởi đầu tư học hành cho con em. Theo gương của chị lớn, liên tiếp 2 năm vừa qua, cô con gái thứ 2 và con trai út của gia đình đã thi đỗ Đại học Tin học và Đại học Ngân hàng. Tính ra thời gian qua, gia đình anh Viết đã sử dụng hơn 50 triệu vay từ NHCSXH đầu tư cho 3 người con thực hiện ước mơ nơi giảng đường đại học. Anh phấn chấn cho biết: “NHCSXH đã làm chỗ dựa chủ yếu về tài chính cho những gia đình HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại, cháu lớn của tôi đã tốt nghiệp, có việc làm và gia đình cũng đang thực hiện trả nợ dần cho ngân hàng bằng nguồn thu từ ruộng nương và tiền lương của cháu. Bà con dân nghèo cụm dân cư Đèo Vẳng rất cảm ơn các chương trình cho vay vốn ưu đãi của NHCSXH để xóa nghèo, làm chủ cuộc sống về mọi phương diện”.

Bài và ảnh Lê Thanh An

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác