CCB tỉnh Hải Dương sử dụng hiệu quả vốn vay ưu đãi

25/12/2013
(VBSP News) Việc CCB ở tỉnh Hải Dương sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để giảm nghèo, làm kinh tế giỏi đã được Hội nghị Tổng kết toàn quốc 10 năm Hội CCB thực hiện công tác uỷ thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách (2003 - 2013) biểu dương.
Vốn vay ưu đãi đã đến tay các CCB tỉnh Hải Dương

Vốn vay ưu đãi đã đến tay các CCB tỉnh Hải Dương

Do nhận thức được tầm quan trọng của các chương trình tín dụng ưu đãi làm đòn bẩy trong sản xuất và giải quyết việc “khát” vốn của các CCB thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nên các cấp Hội CCB từ tỉnh đến thôn, xã đã khuyến khích hội viên mạnh dạn vay vốn chính sách, đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo vườn tạp, mở mang ngành nghề, dịch vụ kinh doanh, tạo thêm việc làm ở nông thôn.

Một trong số CCB tiêu biểu của phong trào đó phải kể đến tên ông Đào Văn Dinh ở thôn Thừa Liệt, xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà. Trước đây, việc chăn nuôi lợn của gia đình ông gặp khá nhiều khó khăn như dịch bệnh, giá cả bấp bênh. Đến năm 2011, thông qua Hội CCB của địa phương, ông Dinh được vay 21 triệu đồng cùng với số tiền vay thêm của đồng đội chiến đấu từ thời chống Mỹ, ông tiến hành xây dựng chuồng trại, mua 5 con lợn nái về nuôi. Nhờ chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh tốt, nên đàn lợn của gia đình của ông Dinh khỏe mạnh, phát triển nhanh. Hiện trong chuồng có tới 8 con lợn nái, trên 70 con lợn thịt, mỗi năm xuất bán từ 3 - 4 tấn thịt lợn móc hàm, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Kinh tế gia đình ngày càng khá giả và ông vừa được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn vì người CCB Hoàng Văn Dinh luôn tận tình với công việc tập thể, lại còn giúp đỡ bà con lối xóm về tiền vốn, về kinh nghiệm làm ăn.

Tuy vốn vay của NHCSXH không nhiều nhưng các CCB ở tỉnh Hải Dương đã linh hoạt trong cách sử dụng, lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp, đạt hiệu quả. Ví như CCB Nguyễn Xuân Ngà ở thôn Vĩnh Long, xã Văn Đức, thị xã Chí Linh, đã sử dụng 30 triệu đồng vay của NHCSXH, tận dụng bờ đê có nguồn cỏ xanh tốt, mua 1 cặp bò lai sin và 1 con bò mẹ để chăn thả: “Tháng trước, tôi vừa bán 1 con bò kéo xe và 2 con bê được hơn 70 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi làm “bà đỡ” mà gia đình tôi bớt đi nhiều cảnh khốn khó, kinh tế ổn định, lại trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng đầy đủ, đúng kỳ hạn đó”, ông Ngà phấn khởi nói.

Tính đến nay, số CCB ở tỉnh Hải Dương vay vốn ưu đãi, phát triển kinh tế gia đình ngày càng đông, đạt hiệu quả cao. Năm 2007, dư nợ của Hội CCB toàn tỉnh với NHCSXH đạt 91 tỷ đồng, nay đã nâng lên 359 tỷ đồng với 21.223 lượt hộ vay. Nhờ sử dụng, khai thác hiệu quả nguồn vốn vay đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo CCB từ 8,46% (tiêu chí cũ của năm 2006) còn 2,98% (theo tiêu chí mới của 2013).

Đạt được kết quả đó là trong thời gian qua, Hội CCB các cấp ở tỉnh Hải Dương đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH triển khai đồng bộ công tác dịch vụ uỷ thác vay vốn ưu đãi; tích cực chỉ đạo thành lập, củng cố Tổ tiết kiệm và vay vốn, lựa chọn các hội viên CCB có uy tín, tinh thần trách nhiệm cao tham gia vào Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đối với các dự án đến hạn thu hồi vốn, hội cũng chủ động bàn bạc với NHCSXH thu hồi, và kịp thời lập dự án khác cho hộ mới vay tiếp, đảm bảo nguồn vốn quay vòng tối đa. Cán bộ, hội viên CCB thường xuyên tổ chức gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm, biểu dương những hộ CCB có mô hình làm kinh tế giỏi từ sử dụng vốn vay ưu đãi để tuyên truyền nhân rộng. Đặc biệt, 100% số cơ sở hội tự kiểm tra tình hình vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn của hội viên CCB, nên ở Hải Dương, hầu hết các đối tượng thụ hưởng đều sử dụng vốn đúng mục đích, không có trường hợp vay chung, vay ké, đồng thời thường xuyên trả lãi, trả nợ gốc đúng kỳ hạn. Trong các tổ chức hội mà NHCSXH tỉnh Hải Dương chọn làm uỷ thác, thì chất lượng tín dụng cho Hội CCB thực hiện luôn đứng ở vị trí thứ 2, với tỷ lệ nợ xấu bình quân dưới 0,1% và chưa có CCB nào không trả nợ được để ngân hàng phải khoanh nợ hay xóa nợ.

Bài và ảnh Ngọc Phúc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác