Sát cánh với tinh thần và trách nhiệm cao

19/12/2013
(VBSP News) Trong 4 hội, đoàn thể nhận ủy thác của NHCSXH ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ), thì Hội Phụ nữ giật giải “quán quân”, tiếp đến là Hội Nông dân. Hơn 10 năm qua, nét đẹp này đã trở thành truyền thống, mang lại hiệu quả thiết thực trong công cuộc xóa nghèo của địa phương.
Các chị phụ nữ nhanh tay hái chè sạch ở Phù Ninh (Phú Thọ)

Các chị phụ nữ nhanh tay hái chè sạch ở Phù Ninh (Phú Thọ)

Phù Ninh là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, có tiềm năng về đất đai, lao động, có vị trí thuận lợi - gần TP. Việt Trì. Huyện có 19 xã và 1 thị trấn, có địa hình trải dài theo sông Lô tạo thành bậc thang. Phù Ninh có vùng đồi núi thấp, bán sơn địa xen đồng bằng, hồ đầm. Chính sự phong phú, đa dạng của địa hình, cũng như khí hậu khá thích hợp là điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển các loại cây trồng, vật nuôi tăng thêm nguồn thu nhập. Để khai thác tiềm năng và lợi thế sẵn có, Hội Phụ nữ huyện Phù Ninh đề ra phương châm: áp dụng tiến bộ KHKT, tích cực tìm kiếm nguồn vốn phục vụ chị em xóa nghèo bền vững. Tính đến hết tháng 10/2013, tổng dư nợ hội đang quản lý đạt trên 62 tỷ đồng, với gần 3.650 hộ vay, tăng gần 2,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2012, dẫn đầu 4 hội, đoàn thể nhận vốn ủy thác của NHCSXH huyện Phù Ninh. Theo bà Nguyễn Thị Hoài Hương - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, nhận được vốn ưu đãi đã khó, nhưng khó hơn rất nhiều lần là công tác quản lý. Đặc điểm của kênh tín dụng chính sách là cho vay nhỏ, lẻ, khách hàng đông, “phủ sóng” tận vùng sâu, vùng xa, làm sao chuyển tải được đồng vốn vay đến tận tay đúng đối tượng được thụ hưởng, sử dụng hiệu quả và thu lãi, thu nợ đúng định kỳ, không bị thất thoát? Giải bài toán khó, Hội Phụ nữ huyện Phù Ninh đã chỉ đạo cơ sở khảo sát, lập danh sách số hộ nghèo do phụ nữ làm chủ để có kế hoạch, tìm giải pháp giúp chị em thoát nghèo. Hội đã thành lập được 100 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Qua kiểm tra, các xã đều thực hiện tốt các công đoạn ủy thác, quy trình bình xét cho vay từ khu dân cư, nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích. Các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hằng quý, hằng năm được bồi dưỡng nghiệp vụ, đều có tinh thần trách nhiệm trong việc đôn đốc hộ vay trả lãi và gốc đúng quy định.

Để chị em nghèo sử dụng vốn vay hiệu quả, năm 2013 các cấp hội đã phối hợp với các ngành chức năng mở được 9 lớp tập huấn, có gần 1.900 hội viên tham gia, với nội dung chuyển giao tiến bộ KHKT chăn nuôi, trồng trọt. Hội phối hợp với Trạm khuyến nông huyện xây dựng 2 mô hình về chăn nuôi gà an toàn sinh học xử lý bằng men vi sinh tại xã Tiên Phú và Tiên Du; thành lập mô hình “Phụ nữ sản xuất chè sạch” tại xã Tiên Phú với 15 hội viên; mô hình phát triển “kinh tế chăn nuôi tổng hợp” tại thị trấn Phong Châu với 32 hội viên tham gia… Vượt lên khó khăn, nhiều chị em đã xóa nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng ngay trên chính quê hương mình. Đó là bà Hoàng Thị Thơm ở thôn 6, xã Trung Giáp với mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng (VAC) tổng hợp: chăn nuôi lợn rừng và gia cầm, nuôi cá, trồng chè, cây nguyên liệu giấy, cây mía đường… Bà dự tính, riêng năm 2013 này, sau khi trừ chi phí, thu khoảng trên 100 triệu đồng. Không những vậy, mô hình kinh tế bà Thơm còn tạo việc làm cho 3 - 4 lao động, với mức thu nhập 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Không thua kém hội chị em, Hội Nông dân huyện Phù Ninh lấy phong trào “hộ gia đình nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và hộ nghèo vượt khó” là một trong những công tác trọng tâm. Hội đã phối hợp với NHCSXH huyện tổ chức kiểm tra, thẩm định xét duyệt cho 2.914 hộ vay, với tổng số tiền là 46,444 tỷ đồng. Ngoài việc phối hợp với Phòng kinh tế, Trạm khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật, Trạm thú y huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho gần 1.600 lượt bà con nông dân, hội còn phối hợp với Hội Nông dân tỉnh cung ứng gần 456 tấn phân NPK trả chậm cho bà con nông dân các xã, thị trấn; đồng thời, thực hiện các chương trình đầu tư khuyến công, xây dựng mô hình sản xuất công nghệ cao trên các loại cây trồng, vật nuôi. Ông Trần Văn Hà ở xã Từ Đà là một CCB, phát huy vai trò “Anh bộ đội cụ Hồ” không ngại khó, không ngại khổ, sử dụng 50 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ vốn vay giải quyết việc làm, đầu tư xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế gia đình khá giả, đạt thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 11 lao động. “Tiếng lành đồn xa”, CCB các tỉnh lân cận và Hội CCB quốc gia Lào đã đến tham quan, trao đổi kinh nghiệm.

Tính đến nay, huyện Phù Ninh còn khoảng 5,2% hộ nghèo. Trong những năm tới cùng với phong trào xây dựng Nông thôn mới, toàn huyện phấn đấu không còn hộ nghèo. Để đạt được mục tiêu xoá nghèo bền vững, các cấp hội, đoàn thể ở huyện Phù Ninh đã và đang sát cánh cùng NHCSXH với tinh thần và trách nhiệm cao.

Bài và ảnh Quốc Vũ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác