Ước mơ đã thành hiện thực

12/12/2013
(VBSP News) “Nhờ vốn vay ưu đãi, gia đình tôi đã lập xưởng mộc, từ đó mở hướng thoát nghèo bền vững”, anh Phạm Văn Khoa ở thôn Phúc Cầu, xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) kể.
Được vay vốn ưu đãi, anh Phạm Văn Khoa đã đầu tư mở xưởng mộc

Được vay vốn ưu đãi, anh Phạm Văn Khoa đã đầu tư mở xưởng mộc

Lập gia đình từ năm 1995, thu nhập của vợ chồng anh Khoa chỉ dựa vào mấy sào ruộng. Để có thêm nguồn sống, anh Khoa xin vào một xưởng mộc trong xã học nghề và làm thuê. Sau một thời gian làm ở xưởng mộc, anh Khoa muốn mở xưởng riêng, nhưng không có vốn.

Mở xưởng làm mộc

May mắn đến với anh là năm 2007, anh được NHCSXH huyện Cẩm Giàng cho vay 10 triệu đồng chương trình hộ nghèo ủy thác qua Hội Nông dân xã. Có vốn anh mua máy móc và mở xưởng đồ gỗ nội thất. Nhờ có tay nghề, kỹ thuật, lại chăm chỉ, sau vài năm anh đã trả được hết số nợ vay ban đầu cho ngân hàng. Tuy nhiên, để thoát nghèo bền vững, anh vẫn cần thêm vốn.

Năm 2011, anh Khoa được ngân hàng cho vay tiếp 27 triệu đồng chương trình hộ nghèo. Số tiền này anh dùng mua thêm 1 máy xẻ gỗ để tăng số lượng sản phẩm, nhờ vậy doanh thu cũng tăng lên đáng kể. “Trừ chi phí, mỗi năm tôi lãi hơn 50 triệu đồng. Cứ đà này tôi không chỉ hoàn trả nợ trước hạn cho ngân hàng, mà còn chuẩn bị làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo của xã”, anh Khoa thổ lộ.

Cũng vay vốn chương trình hộ nghèo đầu tư làm xưởng mộc, chị Phương Thị Tân ở thôn Phúc Cầu cho biết: “Năm 2011 gia đình tôi được vay 20 triệu đồng chương trình hộ nghèo. Vợ chồng tôi tách ra làm xưởng mộc riêng (trước làm chung với bố mẹ)”. Chịu khó làm ăn, mỗi tháng vợ chồng chị Tân làm được 5 - 10 bộ bàn ghế, bán 2 triệu đồng/bộ, trừ chi phí lãi 3 - 3,5 triệu đồng/tháng.

Có nước sạch dùng

Ông Nguyễn Huy Hóa - Giám đốc NHCSXH huyện Cẩm Giàng cho biết, cùng với chương trình cho vay hộ nghèo, NS&VSMTNT của ngân hàng cũng rất hiệu quả. Hiện dư nợ của chương trình này là trên 43,6 tỷ đồng, với 5.687 khách hàng vay.

Chị Bùi Thị Xoăn (thôn Phúc Cầu) chia sẻ: “Trước gia đình tôi dùng nước giếng khoan để sinh hoạt. Nước lúc nào cũng vàng đục, để sử dụng được phải qua nhiều khâu xử lý, vừa mất thời gian mà nước vẫn không sạch. Gia đình tôi có nghề làm ghế đá. Cũng do dùng nước giếng khoan để sản xuất ghế đá nên ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm”.

“Ông Nguyễn Huy Hóa cho biết: NHCSXH huyện Cẩm Giàng đang thực hiện 7 chương trình cho vay vốn tín dụng ưu đãi. Ngân hàng thực hiện ủy thác thông qua 4 tổ chức hội, đoàn thể với 323 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tính đến hết quý III/2013, tổng dư nợ của các chương trình là trên 173 tỷ đồng, với 11.866 khách hàng vay. Nợ quá hạn là 479,5 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,28%”.

Năm 2012, gia đình chị được vay 8 triệu đồng Chương trình tín dụng NS&VSMTNT, chị lắp đường ống dẫn nước sạch về nhà. “Không chỉ có nước sạch dùng trong sinh hoạt mà nước sạch còn làm sản phẩm bàn ghế gia đình tôi sản xuất ra luôn giữ được màu trắng nên khách hàng rất ưa chuộng”, chị Xoăn phấn khởi cho biết.

Chung niềm vui với chị Xoăn, chị Nguyễn Thị Hiền ở cùng thôn bộc bạch: “Cũng như các gia đình khác trong thôn, từ nhiều năm nay gia đình tôi phải dùng nước giếng khoan để ăn uống, tắm giặt. Vẫn biết nước không đảm bảo chất lượng nhưng không còn cách nào khác. Từ ngày được vay 8 triệu đồng Chương trình tín dụng NS&VSMTNT từ NHCSXH huyện để lắp đường ống dẫn nước sạch, các thành viên trong gia đình tôi không còn lo lắng cho sức khỏe của mình nữa”.

Lan Dương

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác