Biện pháp giảm nghèo ở Tuyên Quang

06/12/2013
(VBSP News) Thế là tháng 11 lại qua nhưng về cơ bản NHCSXH tỉnh Tuyên Quang đã hoàn thành kế hoạch năm 2013. Cụ thể như tổng nguồn vốn tín dụng và tổng dư nợ cho vay đều đạt xấp xỉ 1.500 tỷ đồng tăng hơn 150 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2012. Một số chương trình tín dụng chủ lực như: cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn đều đạt 100% kế hoạch, vượt trước thời gian. Nhiều chương trình còn có tác dụng thiết thực không chỉ đối với từng gia đình, từng thôn, bản mà còn với cả cộng đồng dân cư như việc cho 14.000 hộ vay 100 tỷ đồng để xây dựng các công trình NS&VSMTNT, 10.000 hộ nghèo được hỗ trợ 78 tỷ đồng làm nhà ở vững chắc, xóa nhà tạm dột nát và rất nhiều HSSV có hoàn cảnh khó khăn đã sử dụng tiền vay ưu đãi của NHCSXH thực hiện ước mơ nơi giảng đường đại học, cao đẳng...
Đồng bào dân tộc tỉnh Tuyên Quang chọn mô hình nuôi bò để xóa nghèo bền vững

Đồng bào dân tộc tỉnh Tuyên Quang chọn mô hình nuôi bò để xóa nghèo bền vững

Một trong những biện pháp nổi bật giúp cho NHCSXH tỉnh Tuyên Quang hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng là thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể nhận uỷ thác thực hiện rà soát, kiểm tra, đối chiếu chính xác từng đối tượng nằm trong diện được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi. Ngoài việc bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo vào danh sách cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh và đẩy nhanh tốc độ cho vay, NHCSXH các cấp ở Tuyên Quang đã tăng cường việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn; thông qua công tác đào tạo, tập huấn đã phát hiện kịp thời những vướng mắc ngay tại cơ sở. Đồng thời, nâng cao năng lực điều hành cho Ban quản lý và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tính đến 30/11/2013, trên toàn tỉnh có 3.092 Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc 4 hội, đoàn thể nhận uỷ thác được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ tín dụng chính sách, đạt 100%. Thông qua đó, gần 2.700 Tổ tiết kiệm và vay vốn được xếp loại tốt và khá về hoạt động, trở thành “cánh tay nối dài, vững chắc” của NHCSXH giúp đỡ nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả.

Đơn cử về xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên đã lựa chọn giải pháp chủ yếu là xây dựng 100% số Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt loại tốt và khá để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Hiện các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở Đức Ninh đã chuyển hơn 9,5 tỷ đồng đến hàng nghìn tổ viên vay và sử dụng vốn ưu đãi thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Gia đình anh Lương Văn Quý, dân tộc Cao Lan, thôn làng Rào trước đây thuộc diện nghèo nhất vùng. Năm 2011, anh được NHCSXH cho vay 15 triệu đồng để làm kinh tế gia đình. Nhận tiền vay ưu đãi, vợ chồng anh quyết định mua con giống, làm chuồng trại chăn nuôi lợn thịt để đến ngày nay thoát được nghèo, sửa sang lại căn nhà ở 4 gian, tạo nên cuộc sống tươi vui giữa bản làng xa xôi, hẻo lánh.

Còn chị Hà Thị Hoa, ở thôn núi Guột vốn không có nghề nghiệp ổn định, đất đai canh tác lại ít. Nhưng đầu năm 2013, được Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn bình xét cho vay vốn ưu đãi của chương trình hộ nghèo, chị Thoa đã đầu tư nuôi bò sinh sản và trồng chè, nên cuộc sống cũng dần dần ổn định.

Trường hợp anh Quý, chị Thoa cùng 22 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nữa ở xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên thoát nghèo từ đồng vốn vay ưu đãi là một minh chứng sinh động cho kết quả công tác của NHCSXH tỉnh Tuyên Quang trong suốt 11 năm qua, đặc biệt trong năm 2013 đã triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu giúp hộ nghèo và đồng bào dân tộc có đủ vốn, chủ động phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác