Cùng đồng hành xây dựng Nông thôn mới
Ông Nguyễn Xuân Hòa - Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Những năm trước đây, đơn vị chủ yếu tập trung cho các hộ nghèo vay để sản xuất, kinh doanh, nhưng nay đã bám sát sự chỉ đạo của NHCSXH cấp trên và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tham gia trực tiếp vào Chương trình xây dựng NTM. Từ đầu năm 2013, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã khẩn trương chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ tích cực các loại hình nghề nghiệp quy mô nhỏ của hộ gia đình làm kinh tế vườn, rừng, nuôi trồng thuỷ sản. Song song đó, ngân hàng cũng tập trung nguồn vốn của Chương trình GQVL và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn đầu tư các mô hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn như: sản xuất lúa Đông Triều, trồng rau sạch ở Quảng Yên, thâm canh chè trên đất đồi Hải Hà, na dai Hoành Bồ, nuôi trồng thủy sản tại cửa biển Vân Đồn… Tham gia đầu tư vốn ưu đãi cho chương trình xây dựng NTM, đội ngũ cán bộ NHCSXH từ huyện miền núi Ba Chẽ, Tiên Yên đến vùng đồng bằng, Bình Liêu, Uông Bí, huyện đảo Cô Tô… đều nỗ lực hết mình vì nhiệm vụ. Bởi đối tượng được vay ở những nơi đây chủ yếu là các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế kinh nghiệm sử dụng đồng vốn chưa có nhiều, do đó cán bộ tín dụng đã không quản ngại vất vả về đúng đối tượng và trực tiếp đi cơ sở hướng dẫn tỉ mỷ bà con sử dụng vốn có hiệu quả.
10 tháng qua của năm 2013, mặc dù còn gặp khó khăn do khối lượng triển khai các chương trình tín dụng cho bà con vay xóa nghèo tại 13 huyện khá lớn nhưng NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để hoàn thành nhiệm vụ đồng hành xây dựng NTM.
Ngày nay người dân ở khu vực nông thôn của tỉnh Quảng Ninh ngày nay có nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi và ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, chủ động tham gia phong trào xóa nghèo, xây dựng NTM. Từ 20 triệu đồng vốn vay của Chương trình GQVL, để “khởi nghiệp” giờ đây chị Trạc Thị Chiều ở thôn Sác Xế Đông, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên đã có “gia tài” 300 con gà đẻ trứng, 1ha cây keo, 100 gốc bưởi… thu lãi mỗi năm tới 30 triệu đồng.
Cũng ở huyện Tiên Yên, anh Nguyễn Văn Biển ở thôn Đồi Mây, xã Hải Lăng đang là một trong những điển hình chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn, với 100 triệu đồng vốn vay GQVL và số tiền tích cóp được, anh thuê đất của địa phương, cải tạo, xây dựng hệ thống ao đầm nuôi tôm sú và trồng cây ăn quả, cây chắn gió có giá trị kinh tế cao. Trong diện tích 3ha ao đầm của anh thường xuyên có hơn chục vạn con tôm và cá nước lợ, được chăn nuôi tốt các điều kiện về kỹ thuật, phòng dịch bệnh. Năm 2012, từ nuôi tôm, cá, anh đã có lãi tới hơn 200 triệu đồng không chỉ giải quyết việc làm cho các thành viên trong gia đình mà còn tạo việc làm cho 6 lao động tại địa phương, với mức thu nhập trên 3 triệu đồng/người/tháng.
Đến nay, tổng số tiền cho vay đầu tư Chương trình xây dựng NTM ở tỉnh Quảng Ninh là 312 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng lên 1.428 tỷ đồng. Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần phát triển sản xuất, thực hiện 450 dự án mô hình kinh tế ở những xã điểm xây dựng NTM. Điều quan trọng hơn cả là đã giúp nhiều người dân ở các xã này giảm được nghèo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Nếu như năm 2010, thu nhập của người dân khu vực nông thôn Quảng Ninh chỉ có 11 triệu đồng/năm thì đến năm 2012, thu nhập bình quân đạt 14 triệu đồng/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo bình quân của 25 xã thuộc Chương trình xây dựng NTM từ 17,68% năm 2010 theo tiêu chí mới đã giảm xuống còn 13,5% vào năm 2012; dự kiến cuối năm 2013 toàn tỉnh sẽ có 18/24 xã ở đồng bằng đang xây dựng NTM đạt tỷ lệ hộ nghèo là 6%, 64/100 xã miền núi có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%.
Rõ ràng trong thời gian qua, cùng với việc thể hiện tốt vai trò động lực xóa nghèo bền vững, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã tham gia rất hiệu quả và đồng hành với Chương trình xây dựng NTM trên vùng đất Đông bắc của Tổ quốc.
Bài và ảnh Minh Uyên
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » 90.000 lao động ở Ninh Bình có việc làm ổn định từ vốn vay GQVL
- » “Cầu nối” giúp hội viên phát triển kinh tế
- » Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Thượng Sơn có dư nợ đạt 2,1 tỷ đồng
- » Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tỉnh Bến Tre
- » Nam Trực huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo
- » Việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer
- » Thống đốc NHNN làm việc tại tỉnh Quảng Bình
- » Thôn Ấp sử dụng vốn vay hiệu quả
- » Người nghèo ở Đồng Việt với nguồn vốn vay ưu đãi
- » 16.000 phụ nữ tỉnh Thanh Hóa thoát nghèo từ nguồn vốn ưu đãi