Nông dân tích cực xây dựng Nông thôn mới

10/10/2013
(VBSP News) Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau phát triển kinh tế, những năm qua, Hội Nông dân huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã tích cực vận động hội viên xây dựng các mô hình sản xuất chất lượng, hiệu quả, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống; tạo động lực xây dựng Nông thôn mới (NTM).
Nhờ nuôi bò thịt, nhiều hội viên nông dân xã Lệ Chi có thu nhập ổn định

Nhờ nuôi bò thịt, nhiều hội viên nông dân xã Lệ Chi có thu nhập ổn định

Vừa bán cặp bò thịt được 80 triệu đồng, anh Nguyễn Văn Sơn ở thôn Chi Đông, xã Lệ Chi vui mừng chia sẻ: Năm 2011, được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng cùng với số vốn tích cóp, gia đình anh đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi bò thịt. Hiện, đàn bò của anh có 14 con đang trong thời kỳ vỗ béo, với giá bán trung bình từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, anh thu lãi từ 3 - 4 triệu đồng/con.

Theo bà Nguyễn Thị Từ - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lệ Chi, toàn xã có gần 2.000 hộ thì có tới 800 hộ nuôi bò thịt với trên 2.000 con. 3 năm trở lại đây, nhờ nguồn vốn 1,4 tỷ đồng của Quỹ hỗ trợ Nông dân và 1,2 tỷ đồng của NHCSXH thành phố cho các hội viên trong xã vay vốn sản xuất, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định. Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm cho biết: Để góp phần giúp các địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, hội luôn vận động hội viên phát huy tinh thần năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, mạnh dạn xây dựng những mô hình trồng cây, nuôi con đặc sản. Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi luôn thu hút đông đảo hội viên tham gia, năm 2013, có 18.524 hội viên đăng ký hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở 4 cấp.

Hưởng ứng phong trào “5 điểm 10 việc, Hội Nông dân huyện Gia Lâm tham gia phát triển kinh tế” và Cuộc vận động “Xây dựng mỗi làng một nghề, một sản phẩm hàng hoá điển hình”, các cơ sở hội đã chủ động xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương, đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao như: Trồng rau an toàn ở Văn Đức, Đặng Xá; trồng hoa ở Đa Tốn, Yên Thường; nuôi bò thịt ở Lệ Chi, Văn Đức, nuôi bò sữa ở Trung Mầu, Phù Đổng, Dương Xá… Bên cạnh đó, hội đã phối hợp với NHCSXH huyện cho hội viên vay vốn sản xuất với tổng số dư nợ trên 46,3 tỷ đồng; quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn trên 21,3 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân. hội phối hợp với Công ty xuất nhập khẩu Hà Anh cung ứng 518 tấn phân bón các loại theo phương thức trả chậm; giúp đỡ và tạo việc làm mới cho 1.832 lao động; bàn giao 442 con bò cho hội viên theo chương trình “500 con bò giúp hộ nghèo và nông dân thiếu vốn”. Song song với việc hỗ trợ hội viên nguồn vốn sản xuất, hội còn phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện tổ chức 178 buổi tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt cho 18.981 lượt hội viên nông dân góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định: “Trong thời gian tới, hội tiếp tục xây dựng và phát triển Quỹ Hỗ trợ Nông dân, tạo nguồn vốn cho các hội viên, đồng thời, đẩy mạnh liên kết 4 nhà giúp hội viên yên tâm sản xuất, làm giàu trên mảnh đất quê hương”.

Bài và ảnh Hữu Hạnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác