Giúp thanh niên thoát nghèo bền vững

03/10/2013
(VBSP News) Những năm qua, cùng với việc vận động đoàn viên thanh niên tích cực tham gia các phong trào tình nguyện vì cộng đồng, Huyện Đoàn Bến Cát (Bình Dương) đã thực hiện nhiều hoạt động như mở lớp đào tạo nghề ngắn hạn, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ thanh niên vay vốn phát triển kinh tế... Những việc làm này đã giúp hàng trăm thanh niên thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.
Được các cán bộ Đoàn vận động tham gia học lớp cài đặt sửa chữa máy vi tính và lớp tin học, anh Chu Văn Phương đã mở tiệm sửa chữa và kinh doanh điện thoại, đem lại nguồn thu nhập ổn định

Được các cán bộ Đoàn vận động tham gia học lớp cài đặt sửa chữa máy vi tính và lớp tin học, anh Chu Văn Phương đã mở tiệm sửa chữa và kinh doanh điện thoại, đem lại nguồn thu nhập ổn định

Theo anh Bùi Hùng Dũng - Phó Bí thư Huyện Đoàn Bến Cát, việc tham gia các hoạt động giảm nghèo trong thanh niên là nhiệm vụ rất quan trọng đối với công tác tập hợp thanh niên. Nhận thấy nhu cầu cần được vay vốn để phát triển kinh tế gia đình của nhiều thanh niên, Huyện Đoàn đã ký kết chương trình phối hợp với NHCSXH huyện hỗ trợ thanh niên vay vốn sản xuất, kinh doanh. Đến nay, Huyện Đoàn đã phối hợp với NHCSXH huyện giải ngân trên 2 tỷ đồng, giúp cho 143 thanh niên trên địa bàn huyện được vay vốn đầu tư vào các mô hình phát triển kinh tế như: Trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh… Nhìn chung, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.

Tiêu biểu là anh Nguyễn Thanh Sang ở ấp 3, xã Tân Định, trước đây gia đình anh mở cửa hàng sửa chữa điện thoại, mua bán đồ điện gia dụng nhưng thu nhập không ổn định. Với mong muốn có thêm nghề để tăng thu nhập cho gia đình nên năm 2010, được sự tư vấn và giúp đỡ của Huyện Đoàn Bến Cát, anh Sang đã vay 90 triệu đồng từ NHCSXH huyện để làm chuồng và mua 3.000 con chim cút về nuôi. Do nắm bắt được kỹ thuật và chăm sóc tốt nên chỉ 21 ngày sau đàn chim cút nhà anh đã cho thu trứng. Mỗi ngày, anh Sang thu hơn 3.000 trứng, với giá từ 40.000 - 42.000 đồng/100 trứng. Sau đợt nuôi này, thấy rõ hiệu quả kinh tế, gia đình anh tiếp tục mở rộng diện tích nuôi, đến nay đàn chim cút nhà anh có 7.000 con. Theo anh Sang, chim cút là loài vật dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, thu hồi vốn nhanh, kỹ thuật nuôi chim cút cũng rất đơn giản, quan trọng nhất là khâu giữ chuồng trại sạch sẽ thoáng mát. Thành công trong nuôi chim cút đã giúp anh tiếp tục đầu tư cho cửa hàng. Từ đó, kinh tế gia đình anh ngày càng khấm khá.

Từ việc chọn hướng đi đúng đắn trong tổ chức các hoạt động phát triển kinh tế cho thanh niên, cùng với việc triển khai, quản lý hiệu quả nguồn vốn ủy thác, mỗi năm Huyện Đoàn còn phối hợp với các đơn vị tổ chức từ 4 - 5 phiên giao dịch việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm cho hàng trăm thanh niên trên địa bàn; chỉ đạo các cơ sở Đoàn vận động đoàn viên thanh niên tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn (do Sở Lao động Thương binh và Xã hội và Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh phối hợp tổ chức) như: lớp dạy cạo mủ cao su, cài đặt sửa chữa máy vi tính, lái xe nâng hàng, lớp nấu ăn đãi tiệc, lớp phổ cập tin học… Sau khi tham gia lớp học, nhiều thanh niên tìm được việc làm có thu nhập ổn định hoặc mở cửa hàng kinh doanh…

Trước đây, sau khi lập gia đình, anh Chu Văn Phương ở ấp 2, xã Chánh Phú Hòa sống bằng nghề lái xe ôm và buôn bán rau quả thu nhập bấp bênh. Năm 2010, anh được các cán bộ Đoàn ở xã đến vận động tham gia học lớp cài đặt sửa chữa máy vi tính và lớp phổ cập tin học. Bằng tinh thần ham học hỏi nên anh tiếp thu kiến thức rất nhanh, chỉ hai tháng sau khi học xong anh mạnh dạn mở cửa hàng mua bán, sửa chữa điện thoại với số vốn ban đầu 70 triệu đồng. Tay nghề vững, tận tình với công việc, dần dần anh đã tạo được uy tín cho khách hàng, cửa hàng của anh cũng vì thế ngày càng đông khách, công việc kinh doanh của anh ngày một phát triển, đem lại nguồn thu nhập bình quân 8 - 10 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh nguồn vốn vay ưu đãi ủy thác qua tổ chức Đoàn Thanh niên, vận động, định hướng cho thanh niên tham gia các lớp đào tạo nghề, 6 tháng đầu năm nay, Huyện Đoàn Bến Cát còn phối hợp với Hội Nông dân huyện tổ chức 5 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt cho thanh niên trên địa bàn như lớp cây cảnh, lớp trồng nấm, rau mầm, lớp chăn nuôi thú y…

Từ những lợi ích thiết thực trong phong trào “Đồng hành cùng thanh niên trong lập thân, lập nghiệp” do Huyện Đoàn Bến Cát tổ chức mang lại, nhiều thanh niên đã tham gia tích cực vào tổ chức Đoàn, hội tại địa phương.

Tâm Bình

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác