Bình Dương tiếp sức HSSV nghèo

02/10/2013
(VBSP News) Bình Dương thuộc miền Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ giao thương với TP. Hồ Chí Minh... thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội toàn diện. Hiện, Bình Dương có khoảng 28 Khu công nghiệp, cụm công nghiệp với trên 1.200 doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động. Từ nhu cầu của thực tế, Bình Dương xuất hiện ngày càng nhiều những học sinh nghèo vượt khó học tập và NHCSXH đã rất kịp thời tiếp sức cho các em đến trường.
Một buổi giải ngân vốn vay HSSV ở phường Phú Mỹ (Thủ Dầu Một)

Một buổi giải ngân vốn vay HSSV ở phường Phú Mỹ (Thủ Dầu Một)

Gia đình em Nguyễn Thị Mai ở số 4/10, khu phố Bình Qưới, TX. Thuận An thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh rất khó khăn. Ba của Mai sức khỏe yếu, má đau ốm liên miên, 2 anh trai đang theo học trường đại học và trung cấp. Với đồng lương 2 triệu đồng/tháng của ba, cùng việc buôn bán vất vả của má thì lo ăn đủ từng bữa đã toát mồ hôi… Ngày trúng tuyển vào trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, hạnh phúc trào dâng trong em, nhưng nỗi lo vội ập đến. Vì nhà nghèo, tiền đâu lo đủ cho 3 anh em tiếp bước học hành (!?). Sự học của em có thể “tắt” từ đây. Trong lúc, tưởng chừng như “vô phương” thì Mai được biết có Chương trình cho HSSV vay vốn học tập. Mừng như mở cờ trong bụng, em giục mẹ gia nhập vào Tổ tiết kiệm và vay vốn của Hội Phụ nữ phường. Kết thúc năm 2012, gia đình Mai được vay 77,4 triệu đồng từ NHCSXH. “Số tiền này vơi bớt gánh nặng của ba, má; nhưng lớn hơn rất nhiều lần đó là con đường tương lai của 3 anh em sáng rõ phía trước”, Mai bộc bạch.

So với Nguyễn Thị Mai thì Nguyễn Thị Hữu có số phận nghiệt ngã hơn nhiều. Sinh năm 1979, ở phường Vĩnh Phú (TX. Thuận An), mẹ mất sớm khi em còn nhỏ, ba mất lúc em tròn 16 tuổi. Hoàn cảnh buộc em phải nghỉ học sớm, đi làm công nhân. Một thời gian sau em nhận ra: phận mồ côi, muốn thoát nghèo không có con đường nào khác phải đi học. Không học được ngày thì học đêm, em đăng ký học bổ túc. Ngày ngày sau giờ tan ca Hữu lại cắp sách đến trường. Bằng ý chí và nghị lực của mình, Hữu đã thành công - tốt nghiệp trung học phổ thông. Không dừng lại ở đó, vừa đi làm Hữu vừa theo học lớp Quản trị văn phòng vào buổi tối, nhưng do học phí quá cao nhiều lần em định bỏ học. Được thầy, cô giáo giới thiệu chương trình tín dụng ưu đãi, Hữu đã nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục. Khi nhận được đồng vốn vay đầu tiên từ NHCSXH, Hữu cảm động: “Đây là chiếc phao cứu sinh của đời tôi (!)” Với chương trình học 4 học kỳ, tổng số tiền Hữu được vay từ NHCSXH là 16,9 triệu đồng. Đến nay, Hữu đã ra trường và được nhận vào làm việc tại UBND phường Vĩnh Phú. Hữu đang tích cực dành dụm để trả hết nợ gốc và lãi cho ngân hàng.

Em Mai và Hữu không phải là trường hợp điển hình. Theo báo cáo tổng kết 5 năm Chương trình tín dụng HSSV, NHCSXH tỉnh Bình Dương đã giải quyết hơn 28.000 hộ nghèo, đối tượng chính sách với hơn 30.000 HSSV vay vốn gần 267 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các em đến trường. 8 tháng đầu năm 2013, NHCSXH Bình Dương cũng đã giải ngân 9,8 tỷ đồng, cho 2.450 HSSV vay vốn. Hiện, toàn tỉnh đã có 10.169 đối tượng HSSV trả nợ khi đến hạn, với số tiền 54,089 tỷ đồng; còn trên 100 em chưa trả nợ khi đến hạn, gia đình hứa sẽ trả khi có nguồn thu.

Theo bà Đoàn Thị Diệu Hiền - Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Bình Dương, tiếp bước cho HSSV đến trường, cũng là nuôi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Ý thức được điều đó, Hội Phụ nữ xác định thực hiện chương trình ủy thác tín dụng HSSV giữa NHCSXH và hội là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Quản lý tốt nguồn vốn là thể hiện được uy tín của hội, nâng cao vị thế của hội. Vì vậy, hội cố gắng thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, thực hiện tốt 6 công đoạn ủy thác do NHCSXH quy định.

Ông Võ Văn Đức - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Dương cho biết: trong năm học 2013 - 2014 chi nhánh sẽ bố trí hơn 20 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu vay vốn cho các đối tượng là HSSV nghèo, hộ chính sách trên địa bàn tỉnh, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm học trước.

Toàn tỉnh Bình Dương có 1.515 Tổ tiết kiệm và vay vốn phủ kín ở thôn, ấp, 88/91 xã/phường/thị trấn có Điểm giao dịch, cùng 4 tổ chức hội, đoàn thể là phụ nữ, nông dân, CCB và thanh niên đang trong tư thế sẵn sàng vào cuộc cùng NHCSXH giải ngân nhanh, kịp thời nguồn vốn cho vay HSSV để các em kịp vào năm học mới.

Bài và ảnh Khánh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác