Để nghề mây tre đan ở xã Hoằng Thịnh đứng vững
Ông Lê Công Bằng - Chủ tịch UBND xã Hoằng Thịnh cho biết, mây tre đan là nghề truyền thống bao đời nay của người dân cuối nguồn sông Mã, nhưng cách đây chừng 10 năm, do biến động kinh tế trong, ngoài nước làm cho mặt hàng này không còn thị trường tiêu thụ; đời sống bà con làng nghề lao đao, vất vả.
Trước thực tế đó, Lãnh đạo xã tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, tập trung ưu tiên nâng cao chất lượng hàng hóa, tích cực tìm đầu ra cho sản phẩm, đặc biệt chú trọng kêu gọi sự giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể và sự hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ thông qua NHCSXH để duy trì, phát triển nghề mây tre đan truyền thống.
Cũng theo ông Chủ tịch xã, hiện tại trên địa bàn Hoằng Thịnh có 52 Tổ tiết kiệm và vay vốn của 4 tổ chức hội, đoàn thể đều trực tiếp làm công tác uỷ thác vay vốn ưu đãi từ NHCSXH cho 1.400 hộ làm nghề mây tre đan xuất khẩu; sản xuất tiểu thủ công nghiệp năm 2012 đạt 50,7 tỷ đồng, riêng 8 tháng đầu năm 2013 ước đạt trên 30 tỷ đồng.
Chị Lê Thị Thuỷ - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hoằng Thịnh nói: “Nhờ có công tác đào tạo nâng cao tay nghề và nguồn vốn chính sách hỗ trợ kịp thời nên nghề mây tre đan đã duy trì và phát triển. Nhờ được vay vốn ưu đãi, nhiều hộ nông dân nghèo và các đối tượng chính sách làm nghề truyền thống, đã có tiền “lận lưng”, không phải lo cảnh chạy vay, thiếu thốn nữa”.
Được biết chị Lê Thị Thu ở thôn 7, xã Hoàng Thịnh vay 20 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH cách đây 3 năm để làm nghề đan giỏ xách, ghế tựa bằng song mây, hằng tháng xuất bán ra thị trường hàng trăm sản phẩm đảm bảo chất lượng, mẫu mã đẹp, thu nhập được gần 4 triệu đồng/tháng với số tiền trên, chị vừa trang trải được cuộc sống hàng ngày, vừa có tiền nuôi hai con học hành.
Cơ sở sản xuất, thu mua mây tre đan của anh Lê Văn Động ở thôn 4 đã tập hợp bà con yêu nghề, có tay nghề đan lát, đồng thời lập mối quan hệ chặt chẽ với Hiệp hội làng nghề và NHCSXH của huyện để phát huy lợi thế về nghề truyền thống và nguồn vốn ưu đãi. Anh Động tâm sự: “Thời gian đầu cơ sở mới thành lập còn khó khăn nên việc sản xuất phải theo kiểu thắt lưng, buộc bụng. May sao sau một năm hoạt động, đó là năm 2009, các hộ xã viên được NHCSXH cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh bình quân mỗi hộ vay 20 triệu đồng và 100 triệu đồng vốn giải quyết việc làm, để mở mang nghề tiểu thủ công ở nông thôn. Được động viên, tiếp sức đúng lúc, chúng tôi đã chủ động mua sắm nguyên liệu, thiết bị, phát triển sản xuất. Cơ sở của tôi hiện có 19 lao động thường xuyên và hơn 30 hộ dân nhận hàng về đan tại nhà với các mặt hàng chính là rổ, rá bằng tre và lọ cắm hoa, túi xách du lịch bằng mây. Bình quân mỗi tháng xuất bán hơn 100 nghìn sản phẩm, sau khi trừ chi phí còn lãi trên dưới 80 triệu đồng”.
Ngày nay, làng nghề mây tre đan ở Hoằng Thịnh phát triển mạnh, là mũi nhọn giúp địa phương hoàn thành tỷ lệ lao động nông thôn có tay nghề trong tiêu chí nông thôn mới. Đúng vậy, chỉ tính riêng Hợp tác xã mây tre đan Quốc Đạt của xã đã đảm nhận công đoạn giao nguyên liệu, nhận hàng và trả tiền gia công cho 428 hộ dân cùng với việc đảm bảo thanh toán nộp lãi, trả nợ đầy đủ, đúng hạn với NHCSXH. Thu nhập của mỗi người dân làm nghề mây tre đan thấp nhất 100 nghìn đồng/ngày. Người đan lát giỏi thu nhập tăng gấp 3, 4 lần.
Chủ tịch xã Lê Công Bằng khẳng định: “Người lao động ở xã Hoằng Thịnh sống được bằng nghề mây tre đan bởi được NHCSXH làm “bà đỡ” hỗ trợ vốn ưu đãi rất kịp thời. Xã cũng đang xúc tiến lập quy hoạch chuyển đổi ngành nghề đến tất cả các thôn, xóm để xóa nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội”.
Bài và ảnh Lê Diệu Linh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Quảng Bình: Không ai phải nghỉ học vì nghèo
- » Phát triển mô hình kinh tế từ Tổ tiết kiệm và vay vốn
- » Luôn đồng hành với hộ nghèo
- » Động lực thúc đẩy phát triển cây cao su tiểu điền
- » Bắc Kạn tổ chức hội thi “Thanh niên với vay vốn chính sách xã hội”
- » Nhiều hộ dân ở Cẩm Thủy thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
- » Mỹ An phát triển cây chanh đào không hạt
- » Gia Lai: Sẵn sàng đủ vốn cho vay HSSV
- » Vốn chính sách xây dựng Nông thôn mới
- » Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn ở Tân Hòa