Động lực thúc đẩy phát triển cây cao su tiểu điền

25/09/2013
(VBSP News) Với sự lao động cần cù của người dân và nguồn vốn chính sách làm động lực “kích cầu”, cây cao su tiểu điền đã “cắm rễ” trên vùng đất gò đồi Hiệp Đức (Quảng Nam) mang lại cuộc sống ấm no, tươi vui cho hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hiệp Đức là huyện có diện tích trồng cây cao su tiểu điền lớn nhất tỉnh Quảng Nam

Hiệp Đức là huyện có diện tích trồng cây cao su tiểu điền lớn nhất tỉnh Quảng Nam

Để có những cánh rừng cao su xanh ngút ngàn, trải rộng như ngày hôm nay, nói như ông Trương Công Anh - Phó giám đốc NHCSXH huyện Hiệp Đức, là thấm đẫm bao giọt mồ hôi của những người nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số ở 74 thôn thuộc 12 xã/thị trấn và sự cùng vào cuộc của các ban, ngành, hội, đoàn thể.

Ông Trương Công Anh cho biết, thời gian qua, huyện đã tiến hành giao đất, giao rừng cho nhân dân và kèm theo các cơ chế ưu tiên hỗ trợ về cây giống, tiền vốn sau đầu tư… nhằm khuyến khích phát triển cây cao su. Tuy nhiên, cây cao su được đánh giá là loại cây công nghiệp khó tính, chi phí đầu tư lớn, thời gian đầu tư lâu dài sau 5 - 7 năm mới khai thác… Tuy nhiên, cây cao su lại có giá trị kinh tế cao, NHCSXH huyện Hiệp Đức đã cùng các ban, ngành trên địa bàn tuyên truyền về tác dụng của cây cao su cho mọi hộ dân được biết và tạo điều kiện thuận lợi nhất nhằm giúp cho các hộ dân tham gia dự án trồng cây cao su được vay vốn ưu đãi dễ dàng, kịp thời. Lúc đầu chỉ có 2 hộ nghèo vay 45 triệu đồng trong năm 2006, đến nay đã có trên 300 hộ vay vốn của NHCSXH với số tiền hơn 800 triệu đồng, đầu tư trồng hơn 400ha cao su tiểu điền.

Nhiều hộ dân đã được sử dụng vốn vay ưu đãi tận dụng cả diện tích đất vườn vốn bỏ hoang hóa để trồng cao su. Giờ đây, những cánh rừng cao su không chỉ riêng của các nông trường nữa mà còn là của cả những hộ dân vay vốn NHCSXH trồng hàng chục ha như các ông, bà Võ Đình Trung, Phạm Thị Minh ở xã Quế Bình. Ở vùng cao Hiệp Hòa cũng có vườn cao su xanh tốt của các hộ đồng bào dân tộc như ông Võ Văn Lộc, Đinh Trọng… Đặc biệt, một số hộ sử dụng vốn vay ưu đãi trồng cao su từ năm 2006, hiện đã vào mùa khai thác mủ, đạt thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/tháng. Điển hình có ông Đoàn Văn Tám ở thôn Gia Bàng, xã Quế Bình, đã dồn hết số tiền tiết kiệm của gia đình cùng 50 triệu đồng vay theo dự án từ NHCSXH để trồng cao su theo mô hình trang trại. Sau 7 năm cần cù lao động, gia đình ông được đền đáp xứng đáng với 10ha cao su và 8ha rừng tràm. “Năm ngoái, nhờ thu nhập từ trang trại hơn 400 triệu đồng, tôi trả hết nợ vay ngân hàng, còn lại tiếp tục đầu tư mở rộng, thâm canh vườn cây cao su. Dự kiến năm nay thu nhập gấp đôi năm trước”, ông Tám nói.

Ngay như gia đình anh Lê Nam ở thôn 3, xã Quế Lưu, cũng vay vốn ưu đãi của Nhà nước số tiền 40 triệu đồng để trồng 8ha cao su; trong đó có 5ha đang khai thác mủ. Anh Nam khẳng định: “Với giá mủ cao su hiện nay là 20 nghìn đồng/kg, bình quân mỗi ngày trừ chi phí, gia đình tôi thu chừng 2 - 2,4 triệu đồng. Nhiều hộ nông dân ở thôn 3 có ngày thu vài triệu đồng là chuyện thường”.

Có thể khẳng định rằng, nguồn vốn cho vay của NHCSXH đã góp phần nâng diện tích cao su tiểu điền toàn huyện Hiệp Đức năm 2012 lên 1.693ha và trở thành địa phương có diện tích cao su tiểu điền lớn nhất tỉnh Quảng Nam, đã cùng với gần 3.000ha cao su tiểu điền để hằng năm tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao mức thu nhập cho người dân, làm động lực thúc đẩy công cuộc xóa nghèo một cách bền vững. Thời gian tới, địa phương tiếp tục động viên bà con lồng ghép các chương trình, dự án, trong đó có việc vay và sử dụng vốn ưu đãi làm chủ lực thực hiện đề án phát triển cây cao su lên 12.000ha trên địa bàn toàn huyện.

Bài và ảnh Trần Đởng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác