Thống đốc NHNN Việt Nam làm việc tại tỉnh Kon Tum

20/09/2013
(VBSP News) Thống đốc chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tiếp tục bám sát các mục tiêu của chính quyền tỉnh Kon Tum để hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương; triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bảo đảm hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn, hiệu quả; tăng cường phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xây dựng chương trình cụ thể để hỗ trợ công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

 OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Ngày 18/9/2013, Đoàn công tác ngành Ngân hàng do đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Thống đốc NHNN làm Trưởng đoàn cùng Lãnh đạo các Vụ, Cục chức năng của NHNN và Lãnh đạo một số ngân hàng đến thăm và làm việc tại tỉnh Kon Tum. Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng chí Hà Ban - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Tô Văn Tám, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội; cùng một số đồng chí Thường trực HĐND, UBND tỉnh Kon Tum.

Tại buổi làm việc, đồng chí Lê Thị Kim Đơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã báo cáo tình hình kinh tế, an ninh - chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh Kon Tum trong 8 tháng đầu năm. Theo đó, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực cố gắng của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Kon Tum vẫn đạt được những kết quả nhất định trên một số lĩnh vực: diện tích gieo trồng cây hàng năm vụ mùa năm 2013 đạt 65.034ha tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng 8,55% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 5.443 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 22,22 triệu đồng năm 2012 lên 25,75 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo dự kiến đến cuối năm 2013 giảm 4,5%; các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống người dân cơ bản ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; an ninh quốc phòng địa phương được tiếp tục củng cố tăng cường, nhất là các địa bàn trọng yếu, khu vực biên giới, giáp ranh với các nước bạn… Tuy nhiên, tỉnh Kon Tum cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn: giá hàng nông sản giảm, phát sinh dịch bệnh trên đàn gia súc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khó khăn. Hiện có 1.722 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn đăng ký thấp, trong đó, chỉ có 852 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả (chiếm 49%).

Về thị trường tiền tệ, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 43 chi nhánh, Phòng giao dịch của NHTM, Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển. Theo ông Hoàng Minh Tân, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Kon Tum, huy động vốn của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tính đến hết ngày 15/9/2013 đạt trên 5.889 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm; cùng thời điểm dư nợ cho vay đạt 10.188 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn 4.492 tỷ đồng, chiếm 44% tổng dư nợ, dư nợ cho vay ưu đãi theo các chương trình, chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh dư nợ đạt 1.179 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 8,3% với 12 chương trình cho vay ưu đãi và trên 57.000 khách hàng còn dư nợ.

Các TCTD trên địa bàn đã tích cực triển khai nhiều gói sản phẩm, dịch vụ đồng bộ nhằm đẩy mạnh huy động vốn, mở rộng tăng trưởng tín dụng phù hợp, tăng cường tín dụng bán lẻ, cho vay tiêu dùng, đẩy mạnh cho vay theo các gói tín dụng với các mức lãi suất hấp dẫn, ưu đãi… Trong năm 2013, các chi nhánh NHTM trên địa bàn như Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV đã cơ cấu lại nợ cho tổng số 428 khách hàng, với dư nợ được cơ cấu lại 1.099 tỷ đồng, số tiền miễn, giảm lãi 1,318 tỷ đồng. Các TCTD cũng đã tích cực giảm lãi suất các khoản cho vay cũ về mức tối đa 13%/năm theo chỉ đạo của NHNN; chủ động nguồn vốn để ưu tiên đầu tư cho sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp. Hoạt động tín dụng đã chuyển dịch mạnh mẽ sang một số lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động và cho vay kích cầu thị trường để giảm tồn kho cho doanh nghiệp như cho vay mua nhà, xây dựng nông thôn mới…

Đồng chí Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Kon Tum bày tỏ sự phấn khởi vì các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm trực tiếp và sâu sát của Ban Lãnh đạo NHNN để từng bước tháo gỡ, giải quyết những khúc mắc và khó khăn của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều đánh giá rất cao sự hỗ trợ và chia sẻ của ngân hàng trong bối cảnh khó khăn hiện nay thông qua việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, giải quyết cho vay mới; không có chuyện ngân hàng làm khó doanh nghiệp, không có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất. Qua phản ánh, một số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả nhưng do thời điểm khó khăn nên chưa có khả năng trả nợ (do ngân sách Nhà nước nợ đầu tư công hoặc thị trường xuất khẩu gặp khó khăn), mong các NHTM có cơ chế khoanh nợ và tiếp tục cho vay, điều chỉnh giảm thêm lãi suất cho vay; đồng thời đề nghị NHNN xem xét, tạo cơ chế cho các lâm trường vay vốn để đầu tư trồng rừng, doanh nghiệp vay vốn để tái canh cây cà phê…

Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đánh giá cao sự quan tâm, giúp đỡ, đồng hành của ngành Ngân hàng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh thời gian qua. Kon Tum là địa phương miền núi còn nghèo, vì vậy, trong công cuộc xây dựng và phát triển rất cần ngành Ngân hàng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và có cơ chế, chính sách phù hợp để tháo gỡ những khó khăn về vốn đối với doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất kinh doanh… UBND tỉnh đề nghị NHNN, các NHTM, Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm đầu tư vốn đối với các dự án tái canh cây cà phê, trồng Sâm Ngọc Linh, trồng cao su chuyển đổi từ rừng nghèo và dự án nhà ở cho cán bộ công nhân viên chức và hộ nghèo; quan tâm hỗ trợ đối với công tác an sinh xã hội, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đánh giá cao kết quả, sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền tỉnh và các TCTD trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn. Về đầu tư tái canh cây cà phê, Thống đốc khẳng định, đây là sáng kiến trong định hướng tín dụng của NHNN. Vì vậy, để giúp Tây Nguyên phát triển ổn định, NHNN đã giao và chỉ đạo Agribank giải ngân cho vay tái canh cây cà phê, với nguồn vốn khoảng 12.000 tỷ đồng. Để làm tốt chương trình tái canh cây cà phê, đề nghị chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập quy hoạch vùng cụ thể, xây dựng quy trình tái canh để làm quyết liệt ngay từ bây giờ. Thống đốc cũng chỉ đạo trong thời gian tới, các TCTD tiếp tục bám sát các mục tiêu của chính quyền tỉnh Kon Tum để hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương; triển khai thực hiện tốt các chủ trương của NHNN, bảo đảm hoạt động ngân hàng trên địa bàn an toàn, hiệu quả; tăng cường phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xây dựng chương trình cụ thể để hỗ trợ công tác xóa đói giảm nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Theo www.sbv.gov.vn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác