Nỗ lực thoát nghèo ở xã Liên Hiệp
Theo chân cán bộ xã Liên Hiệp, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lý Thị Nhạn, Tổ 4, thôn An Hiệp, một trong những hộ thoát nghèo bền vững từ hai năm qua. Tiếp chúng tôi bằng nụ cười rạng rỡ, chị Nhạn cho biết, nhiều năm qua, nhờ được vay vốn của NHCSXH huyện và cũng từ những đồng vốn ban đầu này, chị dùng để tăng gia sản xuất, từng bước thoát nghèo.
Năm 2007, với số tiền 15 triệu đồng được vay từ NHCSXH huyện, chị đã dùng để mua heo nái, rồi thuê 4 sào đất để trồng dâu nuôi tằm, cà phê… Cứ thế, chị lấy ngắn nuôi dài, xoay vòng vốn. Thu nhập mỗi năm cũng cho chị lợi nhuận 15 triệu đồng. Rồi dần dần, khi đã biết cách làm ăn, từ năm 2011 đến nay, mỗi năm chị thu nhập khoảng hơn 30 triệu đồng và cũng trong năm 2011, chị đã trả xong nợ ngân hàng và đến nay đã thoát nghèo bền vững. “Cuộc sống của mẹ con tôi vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng bằng sự chăm chỉ của mình, tôi sẽ không để tái nghèo mà sẽ nỗ lực hơn nữa để vươn lên cho bằng bà con lối xóm”, chị Nhạn tâm sự.
Cùng hoàn cảnh với chị Nhạn, chị Nguyễn Thị Thiềng ở tổ 6, thôn An Hiệp cũng bị cái đói, cái nghèo bám riết trong nhiều năm. Vốn là trụ cột trong gia đình 5 thành viên, người phụ nữ vốn ốm yếu, trông già hơn rất nhiều so với cái tuổi 54 này cho biết, đã có lúc chị tưởng chừng như không thể nào gượng dậy nổi. Nhưng rồi, nhờ có sự động viên của bà con lối xóm, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, chị đã dần dần vươn lên thoát nghèo bằng cách “xoay” rất nhiều nghề như nuôi heo, trồng dâu nuôi tằm, buôn bán… với một suy nghĩ là làm sao thoát nghèo càng sớm càng tốt. Và 3 năm qua, khi các con đã lớn, đi làm, có thu nhập, với thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm từ nghề trồng dâu nuôi tằm và cà phê, không chỉ trả được nợ, thoát nghèo bền vững mà cuộc sống của chị đã phần nào khá giả hơn trước.
Chị Nhạn, chị Thiềng chỉ là 2 trong nhiều hộ của xã Liên Hiệp nỗ lực thoát nghèo trong vòng hai năm trở lại đây. Theo số liệu thống kê của UBND xã, năm 2011, số hộ nghèo của xã Liên Hiệp là 199 hộ; năm 2012, con số này là 134 hộ và đầu năm 2013, số hộ nghèo là 101 hộ. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban giảm nghèo của xã cho hay, để làm được điều này, trong những năm qua, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước qua các chương trình cho vay ưu đãi thì công tác giảm nghèo đã từng bước đi vào nhận thức và việc làm của người dân.
Tuy nhiên, “cuộc chiến” chống lại “cái nghèo” là cả một chặng đường dài, nên cần phải quyết liệt hơn nữa, bởi thế, cần sự tham gia tích cực và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Và để xoá nghèo bền vững, người dân Liên Hiệp đã và đang nỗ lực vượt qua lực cản lớn trước mắt đó là tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Đồng thời, tiếp thu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sử dụng có hiệu quả vốn vay NHCSXH.
Bài và ảnh Thi Vũ
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Nhiều mô hình phụ nữ ở tỉnh Yên Bái thoát nghèo hiệu quả
- » Bạc Liêu phát triển mô hình nuôi tôm, cua
- » Hoài Ân phát triển nghề dâu tằm
- » Sức bật trong xây dựng Nông thôn mới ở Nga Thái
- » Nghị lực thoát nghèo của nông dân Nguyễn Văn Dần
- » Giúp nông dân giảm nghèo bền vững
- » Giảm lãi suất và đẩy mạnh cho vay
- » "Điểm tựa" của người nghèo và các đối tượng chính sách
- » Giúp hội viên phụ nữ nghèo phát triển kinh tế
- » Để vốn vay giải quyết việc làm phát huy hiệu quả