Nhiều mô hình phụ nữ ở tỉnh Yên Bái thoát nghèo hiệu quả

18/09/2013
(VBSP News) Một công thức đã được Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái và các chị em hội viên áp dụng thành công, đó là "vốn ưu đãi + khoa học, kỹ thuật + sự quan tâm sát sao của các cấp hội". Từ đây, nhiều mô hình phụ nữ thoát nghèo hiệu quả đã được hình thành.
Phụ nữ huyện Yên Bình trao đổi kỹ thuật nuôi ong hiện đại

Phụ nữ huyện Yên Bình trao đổi kỹ thuật nuôi ong hiện đại

Được vay 20 triệu đồng từ chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, hơn 3 năm qua hộ gia đình chị Nguyễn Thị Gấm ở thôn Ngòi Khang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tích cực đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi và trồng rừng. Mỗi năm, gia đình chị duy trì 10 con lợn nái, cung cấp trên 200 con lợn giống, trong chuồng thường xuyên có 100 - 120 con lợn thịt, cung cấp ra thị trường khoảng 15 - 16 tấn thịt lợn hơi và 500kg gà vịt. Cùng với 3ha cây keo, bồ đề, mô hình này mang lại cho gia đình thu nhập khoảng 120 - 150 triệu/năm.

Cũng tại huyện Yên Bình, hộ gia đình chị Lỗ Thị Bốn ở đội 3, xã Đại Minh đã sử dụng hiệu quả khoản vay 20 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm để đầu tư vào mô hình chăn nuôi tổng hợp. Chị đã đầu tư nuôi ong, nuôi rắn, trồng bưởi, trồng rừng, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Gia đình chị cũng là một trong những hộ đi tiên phong trong áp dụng kỹ thuật thụ phấn cho hoa bưởi và phổ biến kiến thức cho hội viên phụ nữ trong thôn, xã cũng áp dụng để tăng thu nhập, thoát nghèo.

Ở thị xã Nghĩa Lộ, nhóm chổi chít của chị Nguyễn Thị Gái và Đặng Thị Thúy ở phường Pú Trạng hằng năm xuất trên 25 nghìn các loại chổi, tạo việc làm cho trên 60 lao động, thu nhập mỗi lao động từ 1,5 triệu đồng/tháng. Còn hộ chị Hà Thị Dương ở thôn Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ, từ nguồn vốn 100 triệu đồng vay chương trình thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn năm 2011 đã đầu tư mua máy móc dệt thêu thổ cẩm, tạo việc làm cho 20 lao động có thu nhập trên 25 triệu đồng/tháng.

Để duy trì và phát huy nguồn vốn có hiệu quả, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, các cấp hội đã phối hợp với các ban, ngành, NHCSXH cùng cấp tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về công tác tín dụng, phát triển kinh tế, an sinh xã hội… Từ khi bắt đầu nhận ủy thác với NHCSXH, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Yên Bái đã gắn công tác tuyên truyền chương trình tín dụng chính sách với các phong trào của Hội Phụ nữ, như: “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, tăng thu nhập”, “Nâng cao hiệu quả hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, làm giàu chính đáng”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Phụ nữ cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…

Hội Phụ nữ phối hợp với các cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư thành lập 168 Câu lạc bộ phụ nữ với công tác khuyến nông, tổ chức được gần 8.300 lớp tập huấn cho hơn 308 nghìn lượt thành viên vay vốn tập huấn và kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi… Nhiều mô hình mới về phát triển kinh tế đã được hướng dẫn cho hội viên, như: trồng ngô xen đậu tương ở các xã vùng cao huyên Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn; trồng sắn xen lạc tại huyện Văn Yên; trồng ngô vụ hè thu, trồng lạc vụ xuân hè tại Trạm Tấu; mô hình nuôi cá thả ruộng ở cánh đồng Mường Lò; nuôi giun quế để chăn nuôi gà 10 năm qua, đã có gần 7.400 lượt hộ hội viên vay vốn đăng ký mô hình có thu nhập cao từ 50 triệu đồng trở lên, đến nay đã có gần 3.000 mô hình từ 50 - 70 triệu đồng/hộ/năm, hơn 2.200 mô hình từ 70 - 100 triệu đồng/hộ/năm và hơn 240 mô hình có thu nhập 200 triệu đồng.

Nếu như cách đây hơn 10 năm, Hội Phụ nữ quản lý 908 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 147 xã, phường, thị trấn thuộc 9/9 huyện, thị thì đến nay dư nợ qua Hội Phụ nữ đã chiếm hơn 43% tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Yên Bái với các hội, đoàn thể, thông qua 1.135 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 37.600 hộ vay; trong đó, 90% số hộ vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, trả vốn, lãi đúng kỳ hạn. Tỷ lệ nợ quá hạn hằng năm đều giảm, một số huyện có tỷ lệ nợ quá hạn duy trì ổn định ở mức thấp, như: Mù Cang Chải, Yên Bình, Lục Yên, TP. Yên Bái. Từ hoạt động này, trong hơn 10 năm đã giúp được khoảng 6.000 hộ phụ nữ nghèo cải thiện điều kiện kinh tế, thoát nghèo và thoát nghèo bền vững, góp phần mỗi năm giảm 4% tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh.

Theo Lê Minh - Báo PLVN

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác