Hiệu quả từ công tác lồng ghép vốn và dự án

11/09/2013
(VBSP News) 5 năm về trước, người dân xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) không dám vay vốn chính sách, nhưng giờ nhu cầu về đồng vốn của bà con đã lớn hơn rất nhiều, vì hiệu quả từ đồng vốn đã làm đời sống người dân thay đổi. Có được điều đó là do có sự nỗ lực không ngừng của các cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể và NHCSXH; trong đó, phải kể đến hiệu quả của công tác lồng ghép sử dụng vốn và các dự án sản xuất, kinh doanh.
Anh Đinh Văn Linh đang chăm sóc 2ha cây keo xen canh mì

Anh Đinh Văn Linh đang chăm sóc 2ha cây keo xen canh mì

“Giờ, biết làm ăn rồi nên muốn vay vốn”

Năm 2010, hộ gia đình anh chị Đinh Văn Linh, Đinh Thị H’Lênh ở xóm Gò Ràng, thôn Gò Gia, xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà được vay vốn hộ nghèo 20 triệu đồng để sản xuất, kinh doanh và trồng rừng. Nhờ sự hỗ trợ kỹ thuật của xã và sự quan tâm của hội, đoàn thể, gia đình anh chị đã thoát nghèo, trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng. Nhưng, “được hướng dẫn rồi, biết làm ăn tôi mới thấy thật sự cần vốn lắm”, anh Đinh Văn Linh tâm sự. Vì thế, tháng 6 vừa qua, gia đình anh chị lại vay chương trình hộ cận nghèo 30 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, anh chị đã biến thành diện tích mì xen canh dưới tán rừng keo đang hồi lên xanh.

Sơn Linh là xã có hơn 86% là bà con dân tộc Hre sinh sống. Ông Nguyễn Phan Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, cùng trong tình trạng chung của một huyện nghèo, cách đây ít lâu, điều kiện đi lại ở Sơn Linh vất vả lắm. Nên chuyện phát triển kinh tế và mở mang dân trí của người dân cũng gặp vô vàn khó khăn. Gần đây, Sơn Hà “lọt” vào danh sách các huyện được thụ hưởng chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ nên đường sá cũng được cải thiện phần nào.

“Xã rộng hơn 8.246ha; trong đó, hơn 84% là đất sản xuất nông nghiệp, mà đa phần là đất rừng tự nhiên, rừng sản xuất. Bên cạnh chăn nuôi gia súc, người dân ở đây chủ yếu là trồng keo. Phải nói, chính những rừng keo và đàn trâu bò, giờ lên tới chừng 3 nghìn con, đã làm thay đổi đời sống bà con trong xã”, ông Hải cho hay.

Nói không thôi, khó lắm

Giờ ở Sơn Linh, những hộ gia đình có triển vọng kinh tế rõ ràng như gia đình anh Linh - chị H’Lênh không ít. Đường đi thuận lợi hơn, kinh tế cũng phát triển theo. Nhưng không phải cứ có đường là đời sống bà con người Hre và các dân tộc khác ở Sơn Linh thay đổi. Đó là một quá trình ghi dấu về sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể và NHCSXH ở địa phương.

Nhiều gia đình có 2 - 3 con trâu bò, có nhà vừa có trâu bò vừa có đồi keo - mì xen canh. Nhìn những đồi keo ngút ngát, không dễ hình dung cách đây chừng 5 năm thôi, rất nhiều hộ gia đình không dám vay vốn dù kinh tế gia đình vô cùng khó khăn, vẫn phải vật lộn kiếm ăn từng bữa. Để đồng vốn chính sách “chảy” tới hộ dân, biến thành đàn gia súc, vườn rừng, đẩy lùi cái nghèo, cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể đã “xắn tay” thực hiện sát sao công tác vận động, lồng ghép việc sử dụng vốn chính sách với các dự án sản xuất, kinh doanh, xóa nghèo. “Nói không thôi thì khó thay đổi được cách nghĩ của bà con lắm, nhưng lồng ghép nhiều chương trình, dự án, lời nói đi đôi với việc làm, có thể nhìn thấy được triển vọng thay đổi cuộc sống, bà con tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương”, ông Hải cho hay. Xã vận động xong, tập huấn cộng đồng kết hợp với dự án, bà con được chọn giống cây trồng, vật nuôi theo nhu cầu của hộ gia đình; rồi xã chuyển giống keo, bò, lợn… tới tay bà con. Các hội, đoàn thể quan tâm gần gũi hỗ trợ từng hộ dân, vì thế người dân nhanh chóng vượt qua giai đoạn bỡ ngỡ, kinh tế từng hộ thay đổi dần, đời sống địa phương cũng khởi sắc.

Thế nên, trong xóa nghèo ở Sơn Linh, công tác tín dụng chính sách được coi là công tác trọng tâm, xuyên suốt, là “cần câu” quan trọng trong quá trình giảm tỷ lệ hộ nghèo đang là 50,75% xuống thấp hơn. Dư nợ của xã là 12,5 tỷ đồng, đứng thứ 5 trên địa bàn huyện, không có khoản vay tồn đọng, quá hạn.

Hoàng Thủy

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác