Hàng nghìn hộ nghèo ở huyện Thường Xuân được vay vốn

10/09/2013
(VBSP News) Nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ mà hàng nghìn hộ nghèo ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, con cái có điều kiện học hành, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên và số hộ nghèo trên địa bàn ngày một giảm...
Thanh-Hoa

Vốn vay ưu đãi đã kịp thời đến với bà con các dân tộc trong tỉnh Thanh Hóa
                                                                                                                                                             Ảnh: Trần Việt

Thường Xuân là một trong 7 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hóa và là một trong 62 huyện nghèo nhất nước. Tuy nhiên, huyện lại có đất đai khá rộng, là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo. Trong hành trình đó, NHCSXH trở thành “cầu nối” để giấc mơ của người dân thành hiện thực.

Từ khi NHCSXH huyện được thành lập, hàng nghìn hộ dân ở Thường Xuân đã được tiếp cận vốn, xóa được đói, giảm được nghèo. Ông Nguyễn Xuân Bình -  Giám đốc huyện cho biết: “Trong quá trình thực hiện cho vay vốn ưu đãi, ngân hàng gặp vô vàn khó khăn nhưng tập thể đã không ngừng cố gắng, phấn đấu hoàn thành tốt công tác cho hộ nghèo trên địa bàn vay vốn, đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện và nâng cao đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội”.

NHCSXH huyện Thường Xuân hiện có 382 Tổ tiết kiệm và vay vốn, chủ yếu ở Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Do địa bàn rộng, công tác tuyên truyền các chương trình tín dụng còn hạn chế, nhiều khi cán bộ ngân hàng phải mất cả ngày mới đến được nhà dân hướng dẫn cách thức vay vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, việc giải ngân cũng như thu hồi nợ gặp không ít khó khăn.

Theo chân ông Lê Vân Duẩn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thọ Thanh: Chúng tôi tới thăm gia đình bà Mạch Thị Tân ở thôn 1, từng là một trong những hộ nghèo thuộc diện khó khăn nhất xã. Chồng mất năm 1991, một mình bà phải nuôi ba con ăn học. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ vốn của Chính phủ, gia đình bà vay 30 triệu đồng từ NHCSXH huyện để đầu tư mua sắm các thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Giờ đây, gia đình bà đã thoát nghèo, trong nhà lúc nào cũng nuôi 6 - 10 con lợn thịt, 1 con trâu lấy sức kéo, bò, gà… Bà đã cất  được căn nhà mái ngói khang trang.

Không chỉ gia đình bà Tân được vay vốn thoát nghèo, mà trong xã Thọ Thanh có nhiều hộ nghèo khác cũng được vay vốn; như vợ chồng anh Phạm Văn Tú ở thôn 3, để có vốn làm ăn, anh vay NHCSXH 30 triệu đồng. Với số vốn này, anh xây dựng chuồng trại nuôi lợn thịt; lúc cao điểm, anh nuôi gần 30 con. Ngoài ra, anh dùng số tiền còn lại mua sắm đồ nghề sửa chữa xe. Với sức trẻ, tinh thần vượt khó và sự trợ giúp của NHCSXH, dám nghĩ, dám làm, giờ đây gia đình anh Tú đã có của ăn của để, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế sau này.

Được biết, xã Thọ Thanh có 7 thôn, dân số 1.369 người, diện tích đất sản xuất 181ha. Năm 2010, toàn xã có 430 hộ nghèo. Nhờ sự hỗ trợ vốn kịp thời từ NHCSXH, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Theo thống kê của UBND xã, đến giữa năm 2013, trên địa bàn còn 286 hộ nghèo và 161 hộ cận nghèo. Ông Duẩn cho biết: “Hội Nông dân xã đang quản lý 305 hộ vay vốn NHCSXH, với số tiền trên 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức vay tối đa 30 triệu đồng cho một hộ nghèo hiện nay là thấp, vì khó có thể mua được con trâu tốt chứ chưa nói đến đầu tư vào việc khác”.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ quan tâm tới nguồn vốn cho vay HSSV. Các chương trình khác có thể chậm một chút cũng được, nhưng cho vay HSSV phải đảm bảo đủ, kịp thời để không có em nào phải nghỉ học vì không có tiền”, Giám đốc NHCSXH huyện chia sẻ.

Trần Tuấn

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác