Nông dân Kỳ Anh làm giàu từ vốn vay ưu đãi
Theo báo cáo của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Kỳ Anh, đến 30/6/2013 tổng dư nợ là 372,4 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch/năm, tăng 26,12 tỷ đồng so với năm 2012, tốc độ tăng trưởng 7,5%; trong đó, tập trung vào các chương trình lớn, như: cho vay HSSV, hộ nghèo, hộ cận nghèo, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
Trong 4 tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác vốn vay từ NHCSXH, thì Hội Nông dân huyện Kỳ Anh dẫn đầu với dư nợ 146,29 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 40%; tiếp đến Hội Phụ nữ 94,29 tỷ đồng (25,6%); Hội CCB 92,16 tỷ đồng (25%) và Đoàn Thanh niên 35,32 tỷ đồng (9,7%).
Hiện nay, NHCSXH huyện Kỳ Anh cho vay 10 chương trình, đánh giá về hiệu quả một số chương trình cho vay trọng điểm, Lãnh đạo huyện cho biết, chương trình cho vay hộ nghèo được xem là có quy mô lớn và xuyên suốt trong hoạt động tín dụng của NHCSXH huyện Kỳ Anh. Đến nay, có khoảng gần 10.000 hộ còn dư nợ, với số tiền trên 116 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33,6% tổng dư nợ, bình quân 12 triệu đồng/hộ; nợ quá hạn 0,19%. Mặc dù số tiền vay chưa nhiều, nhưng đồng vốn đầu tư cho vay hộ nghèo đã tạo điều kiện cho các hộ cải thiện cuộc sống, chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn; chuyển đổi từ lối sản xuất cây con truyền thống sang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo sản phẩm bán ra thị trường, như: lợn, nước mắm, thủy sản; cây keo, cây gió tràm…
Chương trình cho vay giải quyết việc làm dư nợ còn ở mức khiêm tốn (trên 8,6 tỷ đồng), nhưng được đánh giá cao về hiệu quả sử dụng vốn. Nhiều hộ gia đình vay vốn đã vươn lên làm giàu và tạo được nhiều việc làm cho lao động địa phương, điển hình như bà Cao Thị Đàn (Kỳ Hưng), ông Nguyễn Thanh Minh (Kỳ Hoa) với trang trại chăn nuôi lợn; bà Trần Thanh Thủy, Nguyễn Thị Nhiệm (Kỳ Ninh) chế biến nước mắm; Nguyễn Thanh Tuyết (Kỳ Sơn) với mô hình trồng cây kết hợp chăn nuôi. Bà Nguyễn Thị Hồng, xóm Lê Lợi, xã Kỳ Liên, kể: Gia đình tôi bị thu hồi đất cho dự án khu kinh tế Vũng Áng, nên không còn đất sản xuất. Nhờ Hội Nông dân tỉnh và huyện, triển khai đề án chuyển đổi nghề cho nông dân vùng tái định cư, tôi được vay 30 triệu đồng trong chương trình cho vay giải quyết việc làm để xây dựng chuồng trại và làm hầm bioga. Cùng với số tiền tích góp được, tôi mua 27 con lợn giống, trong đó có 2 con nái. Sau 3 tháng nuôi, tôi xuất lứa lợn đầu tiên 20 con, được 48 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 15 triệu đồng. Không chỉ riêng tôi, nhiều gia đình ở vùng tái định cư Kỳ Anh, được NHCSXH tiếp sức, từ chăn nuôi, phát triển ngành nghề kinh tế gia đình đang đi dần vào ổn định và phát triển.
Điểm mới đáng quan tâm trong hoạt động tín dụng năm nay của huyện Kỳ Anh là giảm áp lực trả nợ của hộ vay khi đến hạn. Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện triển khai thực hiện chủ trương nhân rộng mô hình tiết kiệm tại các Tổ tiết kiệm và vay vốn, nâng mức huy động tiết kiệm từ 20.000 đồng lên 50.000 đồng/thành viên/tháng, đối với các tổ đã thực hiện thu tiết kiệm. Trước mắt, vận động các thành viên trong hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn của các hội, đoàn thể tại thị trấn Kỳ Anh, thực hiện huy động tiết kiệm qua tổ đạt 100% trong quý III, sau đó nhân rộng ra các xã lân cận rồi toàn huyện. “Đây là việc làm ích nước, lợi nhà nhưng phải tạo được sự đồng thuận cao của người vay. Vì vậy, vai trò của các tổ chức nhận ủy thác từ huyện xuống đến xã trong công tác tuyên truyền, vận động là rất quan trọng”, bà Võ Thị Thìn - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Anh nhấn mạnh.
Bài và ảnh Hồ Minh Châu
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Giúp hội viên nâng cao cuộc sống
- » Khi nông dân có vốn trong tay
- » Hiệu quả từ chương trình chòi tránh lũ cho hộ nghèo ở Thanh Hóa
- » Huy động tiền gửi tiết kiệm ở Bình Phước: THÀNH CÔNG BƯỚC ĐẦU
- » Vốn ưu đãi đến với nông thôn và nông dân
- » 20 tỷ đồng cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn ở Bình Dương vay vốn
- » HSSV nghèo có một chỗ dựa vững chắc
- » “Bà đỡ” giúp nông dân thoát nghèo
- » Thoát nghèo nhờ đồng vốn ưu đãi
- » Đi lên từ gian khó