Khi nông dân có vốn trong tay

30/08/2013
(VBSP News) Bước vào căn nhà xây của chị Lê Thị Cẩm ở tổ 11, chúng tôi không khỏi giật mình vì hộ chị vẫn là hộ thuộc diện cận nghèo của phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang). Chị bộc bạch, cách đây 4 năm gia đình chị không thuộc diện nghèo nhưng năm 2011, chồng chị bất ngờ bị bệnh nặng nên gia đình chị lâm vào cảnh khốn khó.
Đồng vốn đã phát huy hiệu quả

Đồng vốn đã phát huy hiệu quả
                                                                                                                                                     Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Từ người đàn ông khỏe mạnh và là lao động chính trong nhà, thì nay chồng chị đã không còn khả năng lao động. Một mình chị xoay xở đủ nghề để kiếm tiền nuôi chồng và nuôi con ăn học, bởi thế gia đình chị trở thành một trong những hộ nghèo của xã từ đó. May mắn vào năm 2012, chị được NHCSXH cho vay vốn ưu đãi, có vốn chị đã đầu tư chăn nuôi lợn quy mô lớn hơn. Vậy là vừa nuôi lợn, vừa làm dịch vụ xay xát gạo nên hàng tháng chị cũng có thêm thu nhập và hiện nay gia đình chị từ hộ nghèo đã vươn lên hộ cận nghèo.

Gia đình anh Vũ Mạnh Trường ở tổ 11, phường Ỷ La, tuy không phải hộ nghèo nhưng anh cũng rất cần vốn để mở rộng chăn nuôi. Chia sẻ điều này với cán bộ của Tổ Tiết kiệm và vay vốn, anh được cán bộ hướng dẫn là có nguồn vay từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH. Vậy là anh nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ vay vốn với mức 20 triệu đồng. Có vốn, anh mua 2 con lợn nái sinh sản để bán lợn giống. Tích góp từ số tiền bán lợn, anh lại đầu tư chăn nuôi vịt, hiện đàn vịt của gia đình anh có hơn 400 con. Số tiền từ việc bán vịt thịt, bán trứng mỗi tháng anh cũng kiếm được 4 - 5 triệu đồng.

Đang hoàn thiện hồ sơ vay vốn, bà Nguyễn Thị Đài, tổ 9, phường Ỷ La, chia sẻ, dẫu không phải hộ nghèo nhưng cuộc sống của nhà bà vẫn còn nhiều khó khăn. Với lợi thế nhà gần mặt đường, bà cũng đã mở cửa hàng tạp hóa nhỏ để buôn bán, kiếm đồng ra đồng vào. Tuy nhiên, trước đây thiếu vốn nên bà chỉ buôn bán cầm chừng, được chăng hay chớ. Lần này bà dự kiến vay 20 triệu đồng vốn vay chương trình giải quyết việc làm để mở rộng cửa hàng. Hàng hóa có phong phú, cửa hàng khang trang thì mới thu hút được khách mua hàng.

Để nguồn vốn đến với bà con, qua đó giúp bà con giảm bớt khó khăn, anh Lê Xuân Lộc - Chủ tịch Hội Nông dân phường Ỷ La cho biết, được NHCSXH ủy thác quản lý 4 Tổ tiết kiệm và vay vốn, Hội Nông dân phường đã xây dựng quy trình tổ chức quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn này. Căn cứ nhu cầu vay vốn và kế hoạch phân bổ nguồn vốn của NHCSXH tỉnh, các Tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành họp xét, thẩm định công khai nhu cầu, mục đích, số tiền vay vốn của các đối tượng vay vốn. Sau đó, Hội Nông dân phường sẽ kiểm tra, thẩm định kỹ lưỡng, nếu thấy đủ điều kiện sẽ làm hồ sơ gửi NHCSXH đề nghị cho hộ, cá nhân được vay vốn.

Với cách làm này, đến nay tổng dư tín dụng thông qua tổ chức Hội Nông dân phường là hơn 1,4 tỷ đồng; trong đó, vốn cho vay hộ nghèo, cận nghèo là 980 triệu đồng; HSSV là 222,8 triệu đồng; vốn nước sạch và vệ sinh môi trường là 108 triệu đồng; vốn giải quyết việc làm 100 triệu đồng

Qua kiểm tra cho thấy 89 hộ được vay các nguồn vốn này đều sử dụng vốn hiệu quả, đúng mục đích. Để các hộ sử dụng nguồn vốn hiệu quả cán bộ ngân hàng phối hợp với các hội, đoàn thể thường xuyên kiểm tra hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như việc sử dụng vốn của các hộ. Ngoài ra, căn cứ điều kiện cụ thể của từng hộ (thế mạnh về đất đai, nhân lực…) cũng định hướng kinh doanh để người dân sử dụng nguồn vốn đạt hiệu quả cao. Điển hình như hộ ông Mai Xuân Bút, tổ 11, có mô hình chăn nuôi tổng hợp kết hợp làm dịch vụ máy xay xát. Hộ bà Bùi Thị Hiếu, cùng tổ làm nghề mộc; hộ anh Lương Hán Quân, tổ 11, chăn nuôi lợn sinh sản.

Với người dân ở phường Ỷ La, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác… thì nguồn vốn từ NHCSXH tỉnh Tuyên Quang vẫn đang là nguồn trợ giúp đắc lực giúp người dân vươn lên trong cuộc sống.

Theo Báo Tuyên Quang

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác