Tam Phước hoàn thành 18 tiêu chí nông thôn mới

06/09/2013
(VBSP News) Vốn là căn cứ địa cách mạng từ thời kháng chiến chống giặc Pháp, giặc Mỹ, đồng thời là một vùng quê nghèo thuần nông, đất canh tác nông nghiệp ít, chỉ có 400ha độc canh cây lúa, nhưng dân số khá đông, với 1.988 hộ, hơn 8 nghìn nhân khẩu sinh sống tập trung ở 7 thôn nên xã Tam Phước thuộc huyện Phú Ninh (Quảng Nam) khó tránh khỏi những khó khăn trên con đường xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng cũng từ thực tế đó mà Tam Phước đã được chọn làm 1 trong 11 xã điểm đầu tiên của cả nước trong phong trào xây dựng nông thôn mới.
Anh Nguyễn Xuân Diệp (người mặc áo trắng) đang điều khiển máy

Anh Nguyễn Xuân Diệp (người mặc áo trắng) đang điều khiển máy

Ông Võ Thanh Bình - Chủ tịch UBND xã Tam Phước phấn chấn nói với chúng tôi: Thời gian qua, Đảng uỷ, UBND xã đã tập trung vận động, lãnh đạo nhân dân thi đua sản xuất, tích cực thực hiện xóa nghèo. Đến nay, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, cuộc sống nông dân ổn định, nâng mức thu nhập 23 triệu đồng/người/năm. Cuối năm 2012, xã đã hoàn thành 18 tiêu chí và đang phấn đấu phân công lao động hợp lý để cuối năm nay hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đạt được kết quả này, là có sự chung tay góp sức của các ban, ngành từ Trung ương đến tỉnh, huyện; trong đó, phải kể đến sự hỗ trợ của Chính phủ bằng các chương trình tín dụng ưu đãi thông qua NHCSXH, để giúp cho những hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách ở Tam Phước có điểm tựa để phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, thoát cảnh nghèo khó, vươn lên làm giàu chính đáng.

Đúng vậy, điều mà anh em phóng viên chúng tôi trực tiếp ghi nhận trong chuyến đi thâm nhập thực tế ở Quảng Nam vào cuối tháng 8 vừa qua là nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được mọi thông tin và các nguồn vốn ưu đãi một cách dễ dàng và kịp thời nhất, UBND xã đã có những văn bản chỉ đạo Ban giảm nghèo, các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đến tận thôn, xóm, hộ dân cư, nên đã tạo ra sự đồng tình cao, cũng như niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ. Sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của chính quyền cấp xã còn thể hiện trong việc phân bố các nguồn vốn vay đến từng thôn, từng Tổ tiết kiệm và vay vốn, phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể làm nhiệm vụ uỷ thác, họp bàn triển khai cụ thể, công khai đến từng đối tượng được thụ hưởng công bằng, dân chủ. Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế thường xuyên dự họp giao ban định kỳ hàng tháng với Tổ giao dịch NHCSXH tại Điểm giao dịch vừa để nắm bắt, triển khai đúng đắn, kịp thời nội dung, các chương trình tín dụng ưu đãi, vừa có thông tin cập nhật để phối hợp nhịp nhàng với các đoàn thể, người dân… Tổ tiết kiệm và vay vốn tăng cường quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích và tổ chức huy động tiết kiệm,… đôn đốc thu lãi, thu nợ, xử lý nợ bị rủi ro… theo quy định của NHCSXH. Đặc biệt, sau khi được chọn làm xã điểm về xây dựng nông thôn mới từ năm 2009 đến nay, UBND xã Tam Phước rất coi trọng việc phát động phong trào thi đua, có sơ kết, tổng kết, khen thưởng, nhắc nhở kịp thời các tổ chức hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn và đối tượng vay vốn trong quá trình triển khai công tác tín dụng chính sách, tạo khí thế thi đua sôi nổi ở nông thôn và giảm đáng kể tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng nguồn vốn vay…

Với những biện pháp thiết thực, hiệu quả, qua 10 năm thực hiện công tác tín dụng chính sách ở xã Tam Phước đã thực sự tạo điều kiện cho bộ mặt làng quê nghèo đổi thay từng ngày, nhiều hộ dân được vay vốn và sử dụng vốn có hiệu quả nên thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống khá giả. Hiện tại, xã điểm nông thôn mới Tam Phước đã có 7 chương trình tín dụng ưu đãi, kể cả chương trình cho hộ cận nghèo vay từ tháng 6 năm 2013, với hơn 900 hộ dân còn dư nợ là 14,720 tỷ đồng và bình quân dư nợ mỗi hộ lên đến 15 triệu đồng, tăng 11,4 triệu đồng so với năm 2003.

Thông qua nguồn vốn chính sách, nhiều hộ nghèo đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Chí ở thôn Thành Lũy (Tam Phước), năm 2006 chị vay từ chương trình hộ nghèo 7 triệu đồng dùng vào việc nuôi lợn giống. Sau 3 năm đàn lợn phát triển, chị bán đi trả hết nợ ngân hàng. Tháng 6 năm 2013, chị Chí vay 4 triệu đồng xây công trình vệ sinh và xây hầm bioga, vay 25,8 triệu đồng cho con học tập. Hiện nay, chị Chí được xếp vào danh sách hộ cận nghèo, cũng như các hộ cận nghèo trong thôn, chị Chí cũng được NHCSXH huyện Phú Ninh cho vay 30 triệu đồng theo tiêu chuẩn hộ cận nghèo, chị đã sử dụng số tiền này mua 15 con lợn để nuôi vỗ béo.

Cũng như chị Hồng, anh Nguyễn Xuân Diệp ở thôn Kỳ Phú (Tam Phước). Từ 1 xưởng cơ khí nhỏ nơi làng quê hẻo lánh, anh Diệp đã vay 100 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH để làm nhà xưởng, mua sắm công cụ, máng nước, đào tạo nghề cho con em nông dân và sản xuất nhiều mặt hàng nông cụ cơ khí thích hợp với sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp ở địa phương. Chính đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động cùng với sự tận tuỵ của cán bộ tín dụng chính sách từ việc tạo điều kiện vay vốn thuận lợi, đúng lúc đến cả việc tìm kiếm, giới thiệu thêm khách hàng đã giúp cho xưởng cơ khí của anh ngày càng ăn nên làm ra. Với tiêu chí kinh doanh của chủ xưởng cơ khí Nguyễn Xuân Diệp: “Chất lượng là hàng đầu, giá cả hợp lý” đã cung cấp hàng nghìn máng gặt lúa, máng cày đất, xe tải hạng nhẹ chuyên chở vật tư phục vụ trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp vùng đồi núi… ở khắp khu vực nông thôn miền Trung, Tây Nguyên. Ngoài ra, xưởng cơ khí của anh cũng tạo công ăn việc làm cho 15 lao động tại chỗ với mức lương 3 - 3,5 triệu đồng/tháng/người.

Với chặng đường xoá nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, Tam Phước đã và đang được các nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH tiếp sức, làm điểm tựa sớm thành công các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác