Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Châu Bí

11/09/2013
(VBSP News) Là một trong 4.425 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động theo quy chế mới của NHCSXH trên địa bàn rộng lớn tỉnh Quảng Nam, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Châu Bí thuộc xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn được xếp hạng vào loại tốt nhiều năm liền trong việc tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống. Thông qua sinh hoạt, các tổ viên nơi đây còn có điều kiện giúp nhau cách thức sử dụng vốn, trả nợ ngân hàng và gửi tiền tiết kiệm để làm quen dần với thị trường tín dụng, tài chính.
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Châu Bính Lê Thị Vân Anh cùng với chủ hộ vỗ về con bò vừa mua từ vốn vay hộ cận nghèo của NHCSXH huyện Điện Bàn

Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Châu Bính Lê Thị Vân Anh cùng với chủ hộ vỗ về con bò vừa mua từ vốn vay hộ cận nghèo của NHCSXH huyện Điện Bàn

Theo chị Tổ trưởng Lê Thị Vân Anh cho biết, Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Châu Bí được thành lập từ năm 2007, dưới sự quản lý của Hội Phụ nữ xã. Trong thời gian đầu, tổ chỉ tiếp cận một chương trình là cho vay hộ nghèo cùng số vốn ít ỏi, không đáng kể, vậy mà hiện nay tổ đã thu hút 55 thành viên tham gia sinh hoạt, được NHCSXH cho vay gần 700 triệu đồng với nhiều chương trình tín dụng khác nhau, như: cho vay hộ nghèo là 285 triệu đồng; HSSV có hoàn cảnh khó khăn 213 triệu đồng; hộ cận nghèo 165 triệu đồng… Từ đó, bộ mặt làng quê Châu Bí đổi sắc, xuất hiện nhiều điển hình thoát nghèo bền vững, có kinh tế gia đình khá giả.

Từ những năm qua, nhằm giúp cho tổ viên sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Châu Bí, trực tiếp là chị Tổ trưởng đã “đi ngược, về xuôi” học tập kinh nghiệm ở nhiều nơi trong tỉnh, ngoài huyện về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản về cách thức cải tạo đất đồi, thâm canh lúa nước đạt năng suất cao để về trao đổi, họp bàn với các thành viên trong tổ áp dụng các phương pháp sản xuất mới này. Sau khi các hộ vay mới nhận tiền từ NHCSXH, Ban quản lý tổ tiến hành hướng dẫn kịp thời các tổ viên phương pháp làm ăn, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay vào thực tế sản xuất của từng gia đình. Bên cạnh đó, hàng quý, Ban quản lý tổ thực hiện nhận xét, đánh giá, phân loại các tổ viên theo thứ tự để làm cơ sở bình xét cho vay thêm vốn đối với các hộ sản xuất, kinh doanh đúng mục đích, đạt hiệu quả cao và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ nộp lãi, trả nợ đúng kỳ hạn với NHCSXH. Đặc biệt, ngay sau khi nhận được thông tin có chính sách mới của Nhà nước cho hộ cận nghèo vay vốn chính sách, chị Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Châu Bí đã quyết định họp tổ đột xuất, trước cả cuộc họp thường lệ hàng tháng đến 8 ngày, để vừa kịp thời kết nạp thêm các hộ cận nghèo tự nguyện tham gia sinh hoạt tổ, vừa mời cán bộ NHCSXH huyện về dự, phổ biến nội dung Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về việc cho hộ cận nghèo vay vốn. Chị Tổ trưởng được tham dự đợt tập huấn nghiệp vụ đầu tiên để triển khai kịp thời công tác bình xét giúp hộ cận nghèo trong thôn xóm sớm được tiếp cận với nguồn vốn vay của NHCSXH.

Chúng tôi đã trực tiếp nghe giọng nói miền Trung nhát gừng, xúc động của anh Đăng Xuân Nhứt, tổ viên mới của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Châu Bí như sau: “Với một gia đình còn bao nỗi khó khăn vất vả như vợ chồng tôi thì tháng 6 vừa rồi được tổ giúp đỡ vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi dành cho hộ cận nghèo, nên đã mua ngay một đàn heo nhỏ, cám bã và sửa sang chuồng trại. Thực là ước mơ đã thành hiện thực và đây chắc là cơ hội hiếm hoi giúp gia đình tôi ổn định cuộc sống”. Hay như gia đình chị Hồ Thị Ánh, cùng xóm với anh Nhứt, không có đất sản xuất, quanh năm đi làm thuê, gánh mướn. Với một gia đình thuộc diện hộ cận nghèo, chị luôn mong mỏi là có vốn liếng để mua con bò sinh sản về nuôi, “hiện mong muốn của tôi đã được toại nguyện khi được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi. Đây thực sự là “bà đỡ” cho gia đình tôi thoát nghèo bền vững”, chị Hồ Thị Ánh chia sẻ.

Đứng bên con bò vàng đang gặm cỏ bên bờ ruộng, chị Ánh tươi cười nói với chúng tôi và chỉ tay về phía chị Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn Châu Bí, cho biết thêm: “Công lao đầu tiên là thuộc về chị Tổ trưởng đây nè mà dân Châu Bí chúng tôi rất mực tin yêu”.

Qủa đúng vậy, ngày nay trên mảnh đất gò đồi xã Điện Tiến duy nhất của huyện đồng bằng Điện Bàn, chị Lê Thị Vân Anh có dáng người mảnh dẻ, giọng nói trầm ấm xứ Quảng đã được bà con tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Châu Bí ngay từ khi tổ được thành lập. Chặng đường 8 năm đã đi qua, chị Vân Anh đã hết lòng gắn bó với quê hương, với bà con nghèo khó trong công việc vay vốn, sử dụng vốn ưu đãi vào phát triển sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên giảm nghèo, thoát nghèo bền vững, xây đời sống ấm no hạnh phúc.

Bài và ảnh Quang Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác