Để vốn vay giải quyết việc làm phát huy hiệu quả

11/09/2013
(VBSP News) Thời gian qua, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt các chương trình tín dụng. Đặc biệt, cùng với các chương trình cho vay hộ nghèo, HSSV, cho vay giải quyết việc làm đã góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm, xoá nghèo, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.
Cam Canh, bưởi Diễn đã về với đồng đất Đông Triều

Cam Canh, bưởi Diễn đã về với đồng đất Đông Triều

Tới xã Việt Dân, huyện Đông Triều (Quảng Ninh) nhắc tới anh Nguyễn Văn Hào, thôn Đồng Ý, chắc chắn không ai không biết bởi anh là “đại gia” cam Canh, bưởi Diễn ở đất này. Nếu chỉ trông chờ vào việc trồng lúa thì số tiền kiếm được không đủ để trang trải sinh hoạt thường ngày, là người có tham vọng vươn lên làm giàu trên mảnh đất của quê hương mình, anh đã lặn lội đến các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên, Vĩnh Phúc,… để tìm hiểu xem loại cây trồng nào thích nghi và phù hợp điều kiện thổ nhưỡng quê mình. Nhận thấy, cây bưởi Diễn và cam Canh có khả năng thích nghi với điều kiện nơi đây, năm 2007, anh xin chuyển đổi diện tích 10.000m² đất canh tác nông nghiệp của gia đình sang trồng các loại cây này. Khi nghe thông tin từ NHCSXH về nguồn vốn vay giải quyết việc làm, anh Hào đã đăng ký vay để có tiền đầu tư cải tạo hệ thống hạ tầng, mua cây giống. Bước đầu anh dành 3.000m² đất trồng cây bưởi Diễn, 2.000m² trồng cam Canh, diện tích còn lại trồng các loại cây trồng khác. Đến nay, mỗi năm gia đình anh thu hoạch được trên 7.000 quả bưởi Diễn và 1,4 tấn quả cam Canh. Đặc biệt, đây là loại cây mùa vụ thu hoạch cận kề với dịp Tết nên rất dễ tiêu thụ trên thị trường và bán được giá cao nên trừ chi phí anh lãi được 170 triệu đồng/năm.

Phải khẳng định rằng, với mục tiêu tạo được nhiều việc làm mới có thu nhập ổn định cho người lao động nhằm giải quyết lao động dôi dư tại địa phương, thời gian qua, ngân hàng cũng đã tận dụng nguồn vốn để giải ngân đến đối tượng cần vốn, triệt để sử dụng nguồn vốn, vì vậy hệ số sử dụng vốn không ngừng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn giảm. Ngân hàng cũng đã phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện đầu tư cho các chương trình, dự án sử dụng nhiều lao động, hỗ trợ phát triển các làng nghề ở nông thôn, như: sản xuất gốm sứ tại huyện Đông Triều; sản xuất mây tre đan tại thị xã Quảng Yên; chế biến lâm sản tại Hoành Bồ; sản xuất và chế biến miến dong tại huyện Bình Liêu; nuôi trồng thuỷ sản tại Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà, Móng Cái…

Không thể phủ nhận chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần tích cực giải quyết được nhiều việc làm cho xã hội; hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình để mở rộng sản xuất; thu hút tạo việc làm cho nhiều người lao động góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động; thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá ở nông thôn. Từ đó, đã xuất hiện rất nhiều các điển hình về làm ăn kinh tế giỏi, không chỉ ở khu vực thành thị mà còn ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Các mô hình đó không chỉ bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống các hộ gia đình vay vốn mà còn tạo thêm việc làm cho nhiều lao động khác. Tính đến nay, dư nợ cho vay của nguồn vốn vay giải quyết việc làm là trên 91 tỷ đồng với 3.979 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách Trung ương là trên 79 tỷ đồng, vốn từ ngân sách địa phương là 12 tỷ đồng.

Hiệu quả của nguồn vốn vay giải quyết việc làm thì đã rõ, tuy vậy hiện nay nguồn vốn cho vay còn hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu vốn để tạo việc làm nhất là trong giai đoạn hiện nay. Ông Nguyễn Xuân Hoà - Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ninh cho biết, hằng năm, ngân hàng đều có nguồn vốn phân bổ riêng cho chương trình cho vay giải quyết việc làm. Tuy nhiên, mỗi năm mức tăng thêm của nguồn vốn này từ ngân sách Nhà nước bổ sung cũng chỉ từ 2 đến 3 tỷ đồng. NHCSXH cũng đề xuất bổ sung thêm vốn cho chương trình từ ngân sách địa phương hàng năm tăng từ 15 - 20 tỷ đồng song đến nay mới chỉ bổ sung được thêm 10 tỷ đồng (năm 2012). So với nhu cầu thực tế, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế khó khăn, thì con số này còn quá khiêm tốn. Thêm vào đó, tỷ lệ lao động không có việc làm sau khi tốt nghiệp các trường đào tạo, các lớp đào tạo nghề ở khu vực nông thôn và thành thị là rất lớn và không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, đối tượng này lại chưa tiếp cận được với nguồn vốn. Từ thực tế này cho thấy, nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân ngày càng tăng cao, trong khi đó nguồn vốn vay từ chương trình rất hạn hẹp. Bên cạnh đó, mức cho vay trên một hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp. Theo quy định, mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay tối đa 500 triệu đồng/dự án và hộ gia đình là 20 triệu đồng/hộ. Song số cơ sở được vay 500 triệu đồng chiếm tỷ lệ rất thấp mà phổ biến vẫn là mức vay vài chục triệu đồng cho đối tượng là các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình trong khi đó nhiều dự án, mô hình cần vốn đầu tư lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn vốn ít, cơ chế quản lý vốn vay lại chưa tập trung (chủ yếu do các tổ chức hội, đoàn thể quản lý) nên thời gian thẩm định, phê duyệt món vay kéo dài, làm giảm hiệu quả của nguồn vốn đầu tư. Về xử lý nợ rủi ro đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách nói chung, đối với các đối tượng vay vốn giải quyết việc làm nói riêng còn chưa phù hợp và cụ thể.

Xuất phát từ những khó khăn thực tế, để chương trình cho vay giải quyết việc làm hoạt động hiệu quả hơn nữa, các cấp, các ngành cần có những giải pháp tháo gỡ kịp thời và hiệu quả.

Bài và ảnh Cao Quỳnh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác