Làng chổi đót “quét” nghèo

18/09/2013
(VBSP News) Theo tiêu chí mới, UBND tỉnh Quảng Ngãi công nhận toàn tỉnh có 10 làng nghề truyền thống, điển hình như: Dệt thổ cẩm làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ; sản xuất nem, chả; thịt bò khô phường Lê Hồng Phong và Nguyễn Nghiêm, TP. Quảng Ngãi; chế biến nước mắm xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức; nghề sản xuất chổi đót thôn Đại An Đông 1, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành... Trong khi nhiều làng nghề ngày mai một, thì làng nghề chổi đót vẫn "sống khỏe", nhiều gia đình đã thoát nghèo, cuộc sống ngày càng khá giả hơn.
Bà Trương Thị Tiết đã có thâm niên gần 20 năm làm chổi đót

Bà Trương Thị Tiết đã có thâm niên gần 20 năm làm chổi đót

Theo ông Nguyễn Hữu Lê - Phó Chủ tịch UBND xã Hành Thuận cho biết, Đại An Đông 1 là một trong 7 thôn của xã, thường xuyên đi đầu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi. Tuy nghề làm chổi đót không phải là nghề chính của người dân trong thôn, nhưng nó tận dụng, phát huy được thời gian rảnh rỗi và dư thừa của người dân. Đặc biệt, đối với chị em phụ nữ sau mùa vụ thu hoạch. Người dân có thể nhận nguyên liệu, trả sản phẩm, từ các cơ sở về nhà tranh thủ làm vào ban đêm, buổi trưa, bất cứ khi nào rảnh rỗi… nhưng đem lại nguồn thu đáng kể. Bà Trương Thị Tiết người đã có thâm niên gần 20 năm làm chổi đót, chia sẻ: nghề làm chổi đót tuy là nghề phụ, nhưng đôi khi lại là nguồn thu nhập chính, công việc nhẹ nhàng, đối tượng nào cũng có thể làm được. Nhà bà Tiết có 4 người con: 3 con đang theo học đại học, 1 đang học lớp 7. “Mặc dù, đủ tiêu chuẩn để vay vốn HSSV cho 3 con theo học, nhưng gia đình không vay - nói đúng hơn là không dám vay, vì sợ các con ra trường không hoặc kiếm được việc làm chậm, mang nợ ngân hàng lâu”, bà Tiết bộc bạch. Đi sâu vào tìm hiểu, chúng tôi được biết hiện gia đình bà Tiết đang nuôi 5 con bò, 6 con lợn (có 2 nái), làm 4 sào vườn, cộng thêm nghề làm chổi đót, hàng tháng gia đình vẫn đủ lực chu cấp cho 3 con với số tiền 7 - 8 triệu đồng. Tuy vậy, thông qua Hội Phụ nữ, bà vẫn được vay 20 triệu đồng trong chương trình cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH. Vốn vay bà mua nguyên liệu sản xuất. Mỗi ngày vợ chồng bà Tiết làm được khoảng 30 chiếc chổi (0,5kg đót khô/chổi), sau khi trừ chi phí, còn lãi 150 nghìn đồng. Tuy lấy công làm lãi, nhưng đây là khoản thu nhập thường xuyên, nên nghề phụ mà lại là chính. Vào tháng Chạp - giáp Tết nguyên đán thời điểm chổi đót bán chạy nhất trong năm, thị trường cần nhiều hàng, gia đình tăng cường độ lao động và phải thuê thêm 2 lao động, thu nhập có thể đạt 3 - 4 triệu đồng/người.

Theo chân bà Trần Thị Mười - Trưởng thôn Đại An Đông 1, kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn số 3, chúng tôi đến tổ làm chổi đót Thành Công. Tổ có 10 thành viên, 100% vay vốn NHCSXH. Hộ vay ít nhất 10 triệu đồng, nhiều nhất 30 triệu đồng. Ngoài mua nguyên liệu làm chổi đót, nhiều hộ nuôi bò sinh sản. Theo bà Mười, toàn thôn có 334 hộ, trong đó có gần 100 hộ làm chổi đót. Hiện nay, nguồn vốn đầu tư cho làng nghề còn ít nên chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. “Nếu vay được vốn của ngân hàng vào cuối năm là thời điểm tốt nhất, sau khi ăn tết xong người dân lên các huyện miền núi Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà, Sơn Tây mua đót tận gốc. Như vậy, lợi nhuận của người làm chổi đót sẽ cao hơn. Còn, nếu qua tháng 4 mới vay được tiền thì lúc này đã hết mùa đót. Người làm nghề chỉ có thể mua lại nguyên liệu của các đại lý, giá sẽ cao hơn, bất lợi cho người làm chổi”, bà Mười nói. Hiện tại, 1 tấn đót khô mua lại của các đại lý có giá 36 - 42 triệu đồng (tùy loại), trong khi giá mua tận gốc vào mùa đót chỉ có 15 triệu đồng/tấn.

Ngoài phát triển làng nghề, thôn Đại An Đông 1 được tỉnh Quảng Ngãi chọn làm điểm và hiện nay đã trở thành điểm sáng về mô hình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tháng 8, cùng với cán bộ tín dụng NHCSXH về Đại An Đông 1, đi dọc con đường làng rộng thênh thang, những hàng cau trong vườn thẳng tắp, xanh tươi, những ngôi nhà, cổng ngõ tường xây… một sức sống mới đang được khơi dậy. Có ai đó nói bên tôi: “Làng chổi đót đang “quét” nghèo”.

Bài và ảnh Thiện Khánh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác