Phụ nữ xã Sơn Bình sử dụng vốn vay hiệu quả

20/09/2013
(VBSP News) Những năm qua, Hội Phụ nữ xã Sơn Bình, huyện Tam Đường (Lai Châu) đã đứng ra tín chấp với NHCSXH cho hội viên vay vốn ưu đãi. Nhờ sử dụng vốn vay hiệu quả, một số hội viên đã vươn lên thoát nghèo.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Bình Trần Thị Lượt (phải) hướng dẫn hội viên kiểm tra sâu bệnh hại dong riềng

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Bình Trần Thị Lượt (phải) hướng dẫn hội viên kiểm tra sâu bệnh hại dong riềng

Được sự giới thiệu của Hội Phụ nữ xã Sơn Bình, chúng tôi đến thăm một số mô hình sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là mô hình trồng dong riềng của hội viên nghèo Nguyễn Thị Mến ở bản 46, xã Sơn Bình.Trước đây, do thiếu vốn, chưa biết chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế, vì vậy, gia đình chị là hộ nghèo của xã. Sau nhiều ngày suy nghĩ tìm cách thoát nghèo, chị Mến nhận thấy dong riềng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Năm 2008, chị đã mạnh dạn đề xuất với Hội Phụ nữ xã tín chấp với NHCSXH huyện Tam Đường vay 30 triệu đồng vốn. Cộng với vốn tích cóp của gia đình, chị đầu tư trồng hơn 1ha dong riềng; mua máy sản xuất miến dong bán ra thị trường. Chị Mến cho biết: “Giờ đây, tôi đã hoàn trả cả gốc và lãi cho ngân hàng. Gia đình tôi đã thoát nghèo bền vững, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Thấy việc trồng dong riềng không khó, năm nay tôi đã thuê đất mở rộng diện tích trồng hơn 2ha. Đây là hướng đi mới đem lại kinh tế cao cho gia đình tôi vươn lên làm giàu”.

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến thăm hội viên nghèo Vũ Thị Lụa ở bản 46, xã Sơn Bình. Năm 2002, chồng chị không may bị bệnh qua đời, hoàn cảnh luôn trong cảnh túng thiếu. Nhiều khi chị muốn thoát ra khỏi cảnh đói nghèo nhưng thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất. Năm 2010, chị đã mạnh dạn đề xuất với Hội Phụ nữ xã tín chấp với NHCSXH vay 20 triệu đồng vốn đầu tư nuôi lợn nái, trồng ngô, lúa, dong riềng theo hướng hàng hóa. Hội viên trong chi hội xã, bản thường xuyên đến tận nhà hướng dẫn chị cách tỉa, dặm ngô, lúa và phòng trừ sâu bệnh cho dong riềng. Đến nay, chị đang chăm sóc 7 con lợn thịt, 1 lợn nái và gieo cấy 3.000m2 ruộng 2 vụ lúa/năm. Sản phẩm ngô, lúa không chỉ đủ ăn, chị còn xuất bán. Đời sống sinh hoạt của gia đình chị đang dần được cải thiện. Chị đã làm thủ tục xin xã rút ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Sơn Bình là xã thuần nông, 100% phụ nữ dựa vào sản xuất nông nghiệp, đời sống sinh hoạt khó khăn. Toàn xã có 851 hội viên, trong đó có 208 hội viên nghèo. Nguyên nhân tỷ lệ hộ nghèo cao do hội viên thiếu vốn, kinh nghiệm trong sản xuất, chăn nuôi. Để hội viên thoát nghèo, Hội Phụ nữ xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em tiếp cận vốn vay ngân hàng. Qua đó, đã thành lập 8 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 511 hội viên vay hơn 7 tỷ đồng phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, mỗi năm, hội đã có từ 8 - 10 hội viên thoát nghèo bền vững.

Bà Trần Thị Lượt - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Bình cho biết: “Thời gian qua, Hội Phụ nữ xã đã chú trọng tới việc triển khai cho hội viên vay vốn NHCSXH; đẩy mạnh phong trào hội viên giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, mỗi hội viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, sử dụng vốn vay hiệu quả như: Nguồn vốn tăng trưởng nhanh, không dư nợ quá hạn góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương. Thời gian tới, Hội Phụ nữ xã sẽ tiếp tục giúp chị em tiếp cận vốn vay ngân hàng; hướng dẫn hội viên xây dựng các mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi lợn, gà; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngô, lúa, dong riềng theo hướng hàng hóa…”.

Bài và ảnh Dư Khánh Kiên

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác