Vùng đất khó chuyển mình

20/09/2013
(VBSP News) Xã Tổng Cọt được xem là vùng đất khó khăn nhất của huyện vùng cao biên giới Hà Quảng (Cao Bằng), một trong 62 huyện nghèo nằm trong Chương trình 30a của Chính phủ. Cái sự khó ấy trước tiên phải kể đến diện tích đất tự nhiên thì rộng lớn, hơn 10.000ha, nhưng đất canh tác để cấy lúa, trồng ngô lại quá ít, khoảng 1.200ha thôi, còn lại là núi đá, đồi sỏi. Đa phần đồng bào dân tộc sinh sống trên mảnh đất khó khăn, Tổng Cọt luôn bị thiếu vốn, thiếu cả kiến thức sản xuất hàng hoá.
Các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng giúp dân trong sản xuất

Các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng tỉnh Cao Bằng giúp dân trong sản xuất

Để giúp cho Tổng Cọt thoát ra khỏi tình trạng khó khăn ấy, thời gian qua, các cấp, các ngành, các chương trình, dự án và NHCSXH cùng chung tay, góp sức đầu tư kịp thời, tạo đòn bẩy đi lên cho vùng đất khó.
Thông qua 19,4 tỷ đồng của 7 chương trình tín dụng ưu đãi, xã Tổng Cọt đã xây dựng được 44 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với hàng nghìn lượt hộ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh đồng ruộng, phát triển đàn gia súc, gia cầm. Bà con dân tộc Tày, Nùng, Mông nơi đây đã sử dụng vốn ưu đãi đầu tư gieo trồng 627ha ngô trên các loại đất ruộng, đất vườn, Tổng Cọt đạt tổng sản lượng cây có hạt lên trên 600 tấn/vụ.
Ngoài cây ngô, cây lạc cũng trở thành thế mạnh của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Tổng Cọt. Ngô được khuyến khích gieo trồng để tăng nguồn thu, cây lạc hạt đỏ cũng được bà con đầu tư để bám đất đồi, đất rừng canh tác. Kết quả vụ 2012, cả xã được mùa lạc, thu hơn 170 tấn, và năm nay ước tính tăng khoảng 200 tấn.
Mấy năm qua, vùng đất khó Tổng Cọt được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn đãi, tổ chức tập huấn cho bà con biết phương thức canh tác mới phù hợp với thổ nhưỡng địa phương. Các hộ nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã biết cách sử dụng vốn vay vào sản xuất nông, lâm nghiệp, phát triển chăn nuôi, tạo thu nhập để thoát nghèo, ổn định đời sống. Điển hình như các hộ: Nông Văn Kiệp, Hoàng Thị Viết, Thào Thua Thuỷ… nhờ đồng tiền của chương trình cho vay hộ nghèo, có hộ đã chăn nuôi trâu, bò thành đàn 30 - 40 con, có hộ lại trồng đến 6ha ngô giống mới và nhận khoanh nuôi bảo vệ hàng chục héc ta rừng phòng hộ, đầu nguồn. Đơn cử như gia đình ông Nông Đức Vẫn ở thôn Sơn Trong đã sử dụng 11 triệu đồng vay từ năm 2009, gieo cấy 5 sào lúa nước và nuôi bò sinh sản. Sau hai năm, trừ chi phí ông thu được 19 triệu đồng tiền lãi từ ruộng lúa, con bò. Nhân đà thắng lợi, ông Vẫn vay tiếp 20 triệu đồng của chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh để khai phá đất đồi, mua vật tư, giống cây trồng mới trồng ngô lai kín cả quả đồi sau lưng nhà. Từ một hộ nghèo khó, được nguồn vốn ưu đãi làm điểm tựa vững chắc, gia đình ông Vẫn nay trở nên giàu có và năm ngoái còn lo chu đáo cho 2 cô con gái về thành phố học đại học.
Hiện tại, xã Tổng Cọt nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư kịp thời, chính xác tới từng hộ nghèo đã chung tay góp sức giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 60% xuống còn 38%. Ông Nông Văn Đào - Giám đốc NHCSXH huyện Hà Quảng cho biết: “Nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, chúng tôi tiếp tục chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong huyện triển khai công tác cho vay vốn gắn với việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng nông thôn mới; đồng thời, coi trọng việc củng cố hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, tăng cường cho vay thông qua uỷ thác với các tổ chức hội, đoàn thể và huy động tiền gửi tiết kiệm của người nghèo để thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”.

Bài và ảnh Hồ Minh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác