Mỹ An phát triển cây chanh đào không hạt
Ông Huỳnh Thanh Cường - Bí thư Đảng uỷ xã Mỹ An cho biết: “Chúng tôi triển khai công tác tín dụng chính sách đến từng thôn, ấp, từng hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách. Các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn đã phối hợp khá chặt chẽ, nhịp nhàng với NHCSXH huyện để làm tốt uỷ thác cho vay, cũng như chỉ đạo 57 Tổ tiết kiệm và vay vốn tiến hành bình bầu công khai, dân chủ, đúng đối tượng thụ hưởng nguồn vốn ưu đãi. Đồng thời, coi trọng công tác tuyên truyền, động viên bà con sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả.
10 năm qua, xã Mỹ An đã đạt mức dư nợ với NHCSXH là 18,9 tỷ đồng, trong đó đáng kể là chương trình cho vay hộ nghèo, giải quyết việc làm, đã giúp nông dân chủ động xây dựng ô bao ngăn không cho nước lũ tràn vào tàn phá ruộng vườn, nhà ở. Hiện, toàn xã đã có 20 ô bao kiên cố với chiều dài hơn 108km góp phần giúp xã Mỹ An làm được 3 vụ lúa trong năm, và thâm canh các mô hình nuôi tôm càng xanh, cá đồng. Cùng với nguồn vốn của NHCSXH và các nguồn vốn khác cũng được chính quyền tranh thủ và lồng ghép, sử dụng đầu tư vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đơn cử như ở vùng đất nhiễm phèn nặng ít có loại cây trồng nào phát triển được nhưng nhờ các ô bao ngăn lũ, thau chua rửa mặn được xây dựng từ nguồn vốn vay của NHCSXH nên cây dưa hấu, cây chanh đào không hạt đã sống tươi tốt, trở thành cây chủ lực, làm giàu ở Mỹ An.
Ngày nay, hàng trăm ha dưa hấu không hạt được trồng dọc 2 bên kênh rạch ven bờ đê bao khắp các thôn ấp trong xã. Qủa chanh Mỹ An đã có thương hiệu trên thị trường Long An, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều hộ nông dân nghèo nhờ vay vốn của NHCSXH đã phát triển vườn chanh, ruộng dưa hấu, thoát nghèo khó, có của ăn của để. Ông Đoàn Văn Trọn - Chủ tịch Hội Nông dân xã phấn chấn dẫn khách tham quan đồng ruộng, cho biết: “Cách đây 4 năm. Hội Nông dân chúng tôi lập dự án chuyển đổi cây trồng, được NHCSXH và Trung tâm giống cây trồng miền Nam giúp đỡ, trên 500 hộ nghèo đã sử dụng vốn vay ưu đãi mua cây giống, vật tư phân bón; đồng thời, cải tạo đồng ruộng, chăm sóc vườn cây ăn quả theo kỹ thuật nên không chỉ phủ xanh đất chua phèn, hoang hóa, mà còn bội thu sản phẩm phục vụ tiêu dùng và ngành công nghiệp chế biến nước giải khát…”.
Minh chứng cho lời kể của Chủ tịch Hội Nông dân xã, chị Ngô Thị Kim Sính - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Hòa Bình liền kể: nhà ông Út Tánh có 6 miệng ăn, chỉ có 0,5ha đất nhưng nhờ 20 triệu đồng vay của NHCSXH huyện Thủ Thừa, cải tạo vườn tạp trồng được 700 cây chanh đào mà cuộc sống khấm khá hẳn lên. Hộ bà Trần Thị Đẫy cũng sử dụng vốn vay ưu đãi từ sản xuất theo công thức luân canh “lúa + chanh + đậu bắp” trên diện tích 3 sào đất cho thu nhập hàng năm từ 70 - 90 triệu đồng. Mới đây, bà Đẫy đã tự nguyện trả lại sổ nghèo và đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” cấp huyện. Còn chị Huỳnh Thị Mài, chồng đau yếu luôn, lại không có đất sản xuất nhưng được Hội Phụ nữ vận động bà con cho mượn 1.000m2 đất và bảo lãnh vay 20 triệu đồng của chương trình hộ nghèo để tham gia dự án trồng chanh hàng hóa, đến vụ thu hoạch năm 2012 đã có sản phẩm bán ra thị trường và bước đầu có lãi.
Thật đúng là nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã và đang tiếp sức hỗ trợ nông dân xã Mỹ An xóa nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Bài và ảnh Nguyễn Quốc Việt
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Gia Lai: Sẵn sàng đủ vốn cho vay HSSV
- » Vốn chính sách xây dựng Nông thôn mới
- » Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn ở Tân Hòa
- » Để người nghèo vùng cao thoát nghèo bền vững
- » "Người nghèo được tiếp sức"
- » Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình làm việc tại tỉnh Gia Lai
- » Thống đốc NHNN Việt Nam làm việc tại tỉnh Kon Tum
- » Nghệ An: Áp lực mùa tựu trường
- » Được mùa nấm ở đất Mũi
- » Phụ nữ xã Sơn Bình sử dụng vốn vay hiệu quả