Để người nghèo vùng cao thoát nghèo bền vững
Ông Ma Thế Quang - Chủ tịch UBND xã có tác phong mến khách đã giơ cao cánh tay rắn chắc với giọng nói oang oang khi tiếp xúc với phóng viên chúng tôi: “Tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo đang sinh sống ở 8 thôn thuộc xã Cao Trĩ này đã và đang được NHCSXH tạo điều kiện thuận lợi vay vốn ưu đãi để thâm canh lúa ngô, phát triển đàn trâu thịt, trồng cây rừng, cây quế và đầu tư cho cả con cái xuống núi theo học các trường cao đẳng, đại học nữa chứ. Mười năm liên tục rồi đấy, tháng nào cũng vậy, đúng vào ngày quy định, cán bộ NHCSXH lại về tận xã giúp đỡ đồng bào vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn phục vụ sản xuất rất thuận lợi, kịp thời. Tổng cộng xã Cao Trĩ đã vay của NHCSXH ngót nghét 20 tỷ đồng. Nhờ vậy, mà đời sống người dân đỡ nghèo khổ. Ví như ở bản Piềng 2 là nơi heo hút xa xôi nhất, toàn là bà con dân tộc ít người sinh sống hiện gần hết hộ nghèo, chỉ còn có 5 hộ gia đình do già yếu không còn khả năng lao động đang được hưởng chế độ trợ cấp xã hội. Còn số hộ thoát nghèo bền vững, làm ăn khá giả chiếm tới một phần ba tổng số hộ của bản. Xã Cao Trĩ phấn đấu cuối năm nay sẽ nâng danh sách “nhà giàu” lên đứng đầu huyện do được đồng vốn ưu đãi tiếp sức, vươn lên làm kinh tế giỏi”.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến 30/9/2013 của huyện Ba Bể đạt 174 tỷ đồng, đạt 98,5% kế hoạch giao, tăng 2 tỷ đồng so với 31/12/2013. Dư nợ tập trung vào 3 chương trình lớn là: cho vay hộ nghèo 94 tỷ đồng, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 47 tỷ đồng và cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn 13 tỷ đồng. Số khách hàng còn dư nợ là 8.557 khách hàng. |
Để được mệnh danh là vùng cao giàu có, nơi có nhiều “triệu phú đồng quê” như ngày nay là cả công sức của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao… ở xã Cao Trĩ cùng cuộc hành trình của tín dụng ưu đãi đã hỗ trợ đắc lực, hiệu quả trong những thời gian qua. Theo bà Nông Thị Duyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã thì “tài sản” duy nhất và lâu đời nhất của 425 hộ dân Cao Trĩ chỉ trông vào từng ấy đất đồi rừng, đất canh tác lúa nước, ngô nương. Nhưng phần lớn số diện tích trên đồi trồng chủ yếu bằng các giống năng suất thấp và lối canh tác cũ lạc hậu. Cùng với đó là tình trạng thiếu vốn, thiếu kiến thức làm ăn nên nghèo đói là lẽ hiển nhiên khó tránh khỏi.
Nhằm giúp người dân thoát khỏi cảnh tượng đó, chương trình cho vay vốn ưu đãi cùng những biện pháp đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất đã được coi trọng đầu tư cho vùng miền núi Cao Trĩ. Nguồn vốn được tăng cường, chuyển tải trực tiếp và nhanh nhất đến tại địa bàn cư dân. Các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn, bản đã họp bình xét dân chủ và công bằng cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi. Đồng thời, đẩy mạnh việc hướng dẫn cách sử dụng vốn vay, ghép với công tác khuyến nông, khuyến lâm, phát triển chăn nuôi đàn gia súc gia cầm.
Hiện tại, các hộ đồng bào dân tộc ở Cao Trĩ đã sử dụng vốn vay và áp dụng tiến bộ KHKT vào thâm canh cây lúa nước trên diện tích 480ha nên đủ gạo ăn hàng tháng. Mỗi vụ, cả xã sản xuất được từ 500 - 600 tấn ngô, phần lớn xuất bán cho nhà máy chế biến thức ăn gia súc của tỉnh.
Từ ruộng lúa, nương ngô bội thu nhờ có đồng vốn ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đắc lực đến những đàn trâu thịt, con bò sinh sản được coi là thế mạnh ở xã Cao Trĩ đã có NHCSXH làm “bà đỡ” mát tay nên phát triển rất mạnh mẽ. Hiện tổng số đàn trâu bò trong xã lên đến 1.800 con, tạo một nguồn thu không nhỏ cho kinh tế hộ gia đình vùng núi cao Cao Trĩ. Tiêu biểu như hộ ông Nông Văn Tích, anh Triệu Văn Kiểm, bà Vi Thị Tiếp… đã vay vốn ưu đãi nuôi đàn trâu thịt của mình từ 60 - 80 con, hằng năm thu lãi vài trăm triệu đồng.
Trên miền rừng núi xa xôi Cao Trĩ hôm nay, đời sống đồng bào dân tộc đang tươi vui, ấm no dần. Cùng với đó là việc sử dụng vốn ưu đãi ngày càng đúng mục đích, đạt hiệu quả. Điều đó, chứng minh cho thấy người nghèo, các đối tượng chính sách, kể cả những hộ cận nghèo đang có cơ hội thoát nghèo bền vững nếu có sự quan tâm đúng mức, đúng lúc của các cấp, các ngành. Đồng thời, người dân có thể vươn lên thành giàu có, “triệu phú đồng quê”, thay đổi được hoàn cảnh sống của mình nếu họ biết cách sử dụng đồng vốn vay ưu đãi và biết tiếp thu, ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất.
Bài và ảnh Đông Dư
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn ở Tân Hòa
- » "Người nghèo được tiếp sức"
- » Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình làm việc tại tỉnh Gia Lai
- » Thống đốc NHNN Việt Nam làm việc tại tỉnh Kon Tum
- » Nghệ An: Áp lực mùa tựu trường
- » Được mùa nấm ở đất Mũi
- » Phụ nữ xã Sơn Bình sử dụng vốn vay hiệu quả
- » Vùng đất khó chuyển mình
- » Làng chổi đót "quét" nghèo
- » Nỗ lực thoát nghèo ở xã Liên Hiệp