Nhiều hộ dân ở Cẩm Thủy thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách

23/09/2013
(VBSP News) Được hỗ trợ bởi nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH tỉnh Thanh Hóa, hơn 10 năm qua, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã vượt khó để thoát nghèo, nâng cao đời sống; nhiều người đã vươn lên làm giàu trở thành tấm gương sáng về nghị lực không cam chịu đói nghèo.
Được vay vốn ưu đãi, chị Cao Thị Quyền đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả

Được vay vốn ưu đãi, chị Cao Thị Quyền đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả

Tính đến hết ngày 15/9/2013, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Cẩm Thủy đạt gần 250 tỷ đồng, với hơn 13 nghìn lượt khách hàng vay vốn. Trong đó, chương trình cho vay hộ nghèo dư nợ gần 97 tỷ đồng, với hơn 6 hộ còn dư nợ; cho vay HSSV có hoàn cảnh khó khăn dư nợ gần 66 tỷ đồng, với gần 7 nghìn hộ còn dư nợ; chương trình cho vay giải quyết việc làm dư nợ hơn 3 tỷ đồng; cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn dư nợ hơn 1 tỷ đồng…

Nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH đã giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, xóa nghèo. Nhiều gia đình có điều kiện chi phí cho con em học tập ở các trường đại học, cao đẳng, đào tạo nghề có việc làm ổn định sau này. Gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh là một điển hình trong việc sử dụng vốn vay xóa nghèo hiệu quả. Trước đây, gia đình ông Mạnh  có nghề sửa chữa ôtô nhưng không có đủ vốn nên chỉ mở cơ sở quy mô nhỏ. Sau khi được vay 100 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Cẩm Thủy, theo chương trình cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, ông Mạnh đã đầu tư mua máy móc, nâng cấp xưởng sửa chữa. Đến nay, gia đình ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.

Cách đây chưa lâu, gia đình chị Cao Thị Quyền ở thôn Thái Sơn, xã Cẩm Tú, thuộc diện hộ nghèo, đặc biệt khó khăn, chồng bị ốm đau thường xuyên, một mình chị lao động nuôi 3 con nhỏ, trong đó có một cháu bị bệnh tâm thần. Gia đình chị được vay vốn ưu đãi theo chương trình hộ nghèo, chị đầu tư nuôi 5 con lợn thịt, 1 lợn nái. Lứa nuôi này đã cho gia đình chị thu nhập đáng kể. Chị tiếp tục mở rộng chuồng trại chăn nuôi, với 2 con lợn sinh sản, 10 con lợn thịt và 2 con trâu, một năm xuất bán 3 lứa lợn. Đến nay, gia đình chị Quyền đã thoát nghèo.

Thời gian qua, NHCSXH huyện Cẩm Thủy đã quản lý tốt nguồn vốn cho các chương trình vay và sử dụng đúng mục đích, bảo đảm được vốn gốc và thu lãi đầy đủ. Việc xác định đối tượng cho vay ủy thác qua các tổ chức hội do các thành viên tự nguyện tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn, được Ban giảm nghèo của xã xác nhận. Ngân hàng xét duyệt các tiêu chuẩn vay vốn chính sách đến đúng đối tượng, công khai, minh bạch góp phần tạo sự đoàn kết thống nhất trong tổ, tăng cường trách nhiệm giữa các thành viên. Trong hoạt động ủy thác, các tổ chức hội rất coi trọng công tác kiểm tra, giám sát quy trình sử dụng vốn vay. Cán bộ tổ cùng các thành viên trong tổ đều có trách nhiệm theo dõi, giám sát các thành viên khác trong việc sử dụng vốn. Trước ngày đến hạn, cán bộ tổ đến từng hộ đôn đốc nhắc nhở, nắm bắt tình hình. Nếu có khó khăn đột xuất không trả đúng hạn sẽ cùng phối hợp với ngân hàng có biện pháp giúp đỡ, giải quyết kịp thời.

Qua hơn 10 năm triển khai, hiệu quả của chương trình cho vay hộ nghèo trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã được thể hiện qua tỷ lệ giảm nghèo từng năm và sự thay đổi cuộc sống của mỗi hộ gia đình được vay vốn. Đây chỉ là hai trong số hàng nghìn gia đình được vay vốn và thoát nghèo nhờ nguồn vốn từ NHCSXH. Những món vay tuy không lớn nhưng là cơ sở ban đầu, cộng thêm hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm từ chính những người đi trước đã giúp nhiều gia đình mở lối thoát nghèo và vươn lên khá giả.

Theo Khánh Phương - Báo Thanh Hóa

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác