Phát triển mô hình kinh tế từ Tổ tiết kiệm và vay vốn

25/09/2013
(VBSP News) Địa bàn phường 5, TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) từ 10 năm nay đã xuất hiện những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả bằng vốn vay dành cho các đối tượng chính sách.
Mô hình trồng hoa trong nhà kính của Tổ tiết kiệm và vay vốn Vạn Thành

Mô hình trồng hoa trong nhà kính của Tổ tiết kiệm và vay vốn Vạn Thành

Đứng giữa vườn cúc nở rộ rộng 4 sào chuẩn bị cho ngày thu hoạch, anh Nguyễn Bá Tư - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Vạn Thành cho hay, vườn nhà anh giờ cũng chỉ là dạng vườn bình thường so với một số hộ khác trong tổ thôi vì bà con nhận được vốn vay đã đầu tư hiệu quả lắm! Quản lý 32 hộ vay với dư nợ 700 triệu đồng, anh Tư cho rằng công việc của mình như một nhịp cầu nối để vốn vay ưu đãi đến với nông dân nghèo, theo sát các mô hình sử dụng vốn có đúng mục đích hay không rồi hằng đêm lại tranh thủ đi đốc thúc thu lãi và trả nợ. Niềm vui lớn dần lên khi anh đảm nhận công việc này đó là chứng kiến nguồn vốn ngày càng có hiệu quả, xóa nghèo cho nhiều hộ gia đình để từ đó ổn định kinh tế và vươn lên làm giàu.
Bắt đầu từ năm 2004, vốn vay dành cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, HSSV gặp hoàn cảnh khó khăn và cho vay vốn giải quyết việc làm. Trong đó, nguồn vốn giải quyết việc làm đã song hành với nhiều mô hình kinh tế, tại phường 5 như mô hình trồng hoa hồng khu vực Vạn Thành, mô hình trồng rau tại khu vực Vườn Ươm, mô hình làm chổi ở khu vực Du Sinh… đã nâng cao đời sống kinh tế nông hộ.
Nông dân Lê Văn Tâm từ thuộc diện đói nghèo, nhưng trong vòng 10 năm, kể từ khi nhận được nguồn vốn giải quyết việc làm 10 triệu đồng, ông đã đầu tư làm 500m2 nhà kính trồng hoa. Tích góp và mở rộng hằng năm, đến nay vườn nhà rộng 0,6ha đã phủ 100% nhà kính, thu nhập mỗi tháng từ 20 - 30 triệu đồng. Bà con Vạn Thành nói vui rằng những trường hợp như ông Tâm đã là những minh chứng rõ ràng nhất khi “đổi đời” một phần từ vốn vay được quản lý thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn. Riêng gia đình bà Phạm Thị Đơn năm nay đã 70 tuổi, hai vợ chồng bà trước đây không có đất đai canh tác, chỉ đi làm thuê nuôi 3 người con. Khi nhận được vốn vay, bà mua thêm 3 con bò, sau giờ đi làm thì tranh thủ chăn nuôi, từ đó cuộc sống thêm phần ổn định.
Mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn được triển khai và sắp xếp trong thời gian qua đã đưa nguồn vốn của NHCSXH đến người dân hiệu quả hơn. Trong đó, các hội, đoàn thể thực hiện hợp đồng ủy thác mang tính tín chấp giữa ngân hàng với tổ chức mình; vai trò của Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn là trực tiếp quản lý vốn vay, chịu trách nhiệm với nguồn vốn được ủy thác của các thành viên trong tổ. Phường 5 được đánh giá là địa bàn nổi bật trong việc thực hiện mô hình này. Đến nay, dư nợ toàn phường đạt khoảng 8,1 tỷ đồng với 403 hộ vay vốn.
Theo ông Nguyễn Bá Tường - Phó Chủ tịch UBND phường thì địa phương có đặc thù phân bố rải rác, nhân dân ở khu vực vùng ven sống chủ yếu bằng nông nghiệp với rau, hoa chiếm 40%. Hơn nữa, một bộ phận nhân dân có diện tích đất canh tác nằm trong các dự án, quy hoạch nên không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thế chấp tài sản vay vốn tại các Ngân hàng thương mại. Do đó, việc triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi tại địa phương đã thể hiện vai trò và hỗ trợ đắc lực trong việc đầu tư, mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao, từ đó giải quyết công ăn việc làm, cải thiện kinh tế hộ gia đình…

Theo Hải Yến - Báo Lâm Đồng

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác