Quảng Bình: Không ai phải nghỉ học vì nghèo
Khó khăn vẫn nuôi được 3 con học đại học
Ở thôn Trường Dục, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, mỗi khi nhắc đến chị Phạm Thị Na, ai cũng cảm phục, bởi một mình chị nuôi 3 người con đang học đại học. Năm 1991, chồng chị Na qua đời, để lại cho chị 3 đứa con nhỏ đang tuổi ăn học. Cuộc sống của mẹ con chị Na vô cùng khó khăn khi thu nhập chỉ dựa vào mấy sào ruộng bấp bênh. Để có tiền cho con ăn học, chị Na phải quần quật làm thêm đủ thứ nghề. Vậy mà nhiều lúc, việc học của các con chị tưởng chừng như “đứt gánh giữa chừng”, đặc biệt là khi 3 đứa con lần lượt vào đại học.
Điều may mắn đã đến với gia đình chị Na và nhiều hộ gia đình nghèo khác ở Quảng Bình vào năm 2007, khi Chính phủ có quyết định cho HSSV nghèo vay vốn học tập qua NHCSXH. “Vậy là việc học của các con tôi đã không bị gián đoạn. Tổng dư nợ của gia đình tôi hiện nay là gần 40 triệu đồng, nhưng tôi rất vui vì cả 3 đứa con tôi đều được học đến nơi đến chốn. Đó là điều mà một phụ nữ góa bụa như tôi không thể làm nổi nếu không được vay vốn ưu đãi”, chị Na hạnh phúc chia sẻ.
Đáp ứng đủ vốn
Vợ chồng anh Đàm Quốc Tuấn ở xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch, có đến 4 con đang theo học các trường đại học, đều vay vốn theo Chương trình tín dụng HSSV. “Trung bình mỗi tháng chi phí cho 4 đứa con đi học dù tiết kiệm lắm cũng hết hơn 6 triệu đồng. Trong khi bản thân tôi là một người tàn tật, vợ lại mắc bệnh thần kinh, đau ốm thường xuyên không có khả năng lao động nặng nhọc. Kinh tế gia đình lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống nói chi đến việc nuôi đến 4 đứa con ăn học. Nếu không được vay vốn, gia đình tôi và hàng trăm gia đình khác nghèo ở Quảng Châu này không thể nuôi một lúc 2 - 3 đứa con đi học đại học”, anh Tuấn tâm sự.
Theo anh Tuấn, Quảng Châu là một xã vùng núi, nghèo khó, nhưng học sinh ở đây rất hiếu học; mỗi năm đều có hàng chục em đậu vào các trường đại học, cao đẳng. Trước đây, khi chưa có chính sách vay vốn, nhiều em thi đỗ vào các trường đại học có tiếng nhưng gia đình không có tiền nên phải học ở các trường gần nhà, đỡ chi phí hơn. Thậm chí có nhiều em đã học đến năm thứ 2 đành phải bỏ ngang vì bố mẹ không thể kham nổi. Từ khi có chính sách vay vốn học tập, không còn HSSV nào ở Quảng Châu phải bỏ học giữa chừng nữa.
“Cho HSSV vay vốn ưu đãi là chính sách rất thiết thực với nông dân, hộ nghèo. Con cái học giỏi, chúng tôi mừng, nhưng lo ngay ngáy vì không biết lấy tiền đâu cho con ăn học. Cho vay vốn chính là Nhà nước đã ghé vai đỡ đi gánh nặng cho hộ nghèo, hộ khó khăn. Nói cách khác Nhà nước đã chắp cánh cho ước mơ được học tập của hàng triệu học sinh nghèo”, anh Tuấn xúc động…
Ông Nguyễn Hữu Lướng - Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Bình cho biết: Tính đến nay, tổng dư nợ cho HSSV vay của NHCSXH tỉnh Quảng Bình là 782,057 tỷ đồng với 44.696 HSSV đang thụ hưởng, giúp các em yên tâm học tập. Hiện nay, NHCSXH tỉnh Quảng Bình đang tiếp tục giải ngân cho những HSSV mới trúng tuyển đại học, cao đẳng trong năm học mới này.
Theo Phan Phương - Báo NTNN
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Phát triển mô hình kinh tế từ Tổ tiết kiệm và vay vốn
- » Luôn đồng hành với hộ nghèo
- » Động lực thúc đẩy phát triển cây cao su tiểu điền
- » Bắc Kạn tổ chức hội thi “Thanh niên với vay vốn chính sách xã hội”
- » Nhiều hộ dân ở Cẩm Thủy thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách
- » Mỹ An phát triển cây chanh đào không hạt
- » Gia Lai: Sẵn sàng đủ vốn cho vay HSSV
- » Vốn chính sách xây dựng Nông thôn mới
- » Hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn ở Tân Hòa
- » Để người nghèo vùng cao thoát nghèo bền vững