Một chương trình đầy tính nhân văn

09/09/2013
(VBSP News) Có thể khẳng định Chương trình tín dụng HSSV là một trong những chương trình tín dụng do NHCSXH thực hiện mang ý nghĩa xã hội sâu sắc nhất, có sức lan tỏa rộng lớn.
Mọi thông tin về các chương trình tín dụng chính sách đều được công khai ngay tại UBND xã

Mọi thông tin về các chương trình tín dụng chính sách đều được công khai ngay tại UBND xã

Nước mắt người vay vốn

Đó là những giọt nước mắt mà chúng tôi thường gặp khi hỏi chuyện những hộ gia đình vay vốn Chương trình tín dụng HSSV. Không phải là tâm trạng buồn tủi vì phận nghèo không thể cho con đến trường, mà là mừng vì được Nhà nước quan tâm, chăm lo cho tương lai của con em mình. Như chị Huỳnh Thị Giản ở tổ 10, phường Tây Sơn, thị xã An Khê (Gia Lai), có chồng bị tai biến nằm một chỗ, một mình chị nuôi cả gia đình cùng mẹ già. Nhờ có vốn vay mà người con thứ hai mới có thể tiếp tục học đại học. Chị Quang Thị Hồng Xuân (dân tộc Thái) ở thôn Tân Hưng, xã Tân Thành, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) cũng có hoàn cảnh tương tự, khi chồng mắc bạo bệnh, người con đang học tại trường Cao đẳng Ngoại ngữ tại Đà Lạt có nguy cơ phải bỏ học, nhờ có vốn vay nên tiếp tục sự nghiệp đèn sách. Đến nay cháu đã ra trường, có việc làm và trả hết nợ ngân hàng. Hay như chị Nguyễn Thị Kim (dân tộc Ca Dong), một hộ nghèo ở xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam), trước đây, còn bữa no bữa đói nên cũng không dám mơ cho con học đại học. Nhờ các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, kinh tế gia đình đã ổn định và người con lớn cũng có điều kiện đi học ở tỉnh…

“Sau 5 năm thực hiện đã có hơn 3 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để đi học”.

Điều đặc biệt ở Chương trình tín dụng HSSV là nguồn vốn chỉ đủ hỗ trợ một phần chi phí cho HSSV theo học, còn lại vẫn có sự tham gia của gia đình. Nhưng sự “tiếp sức” đó đã tạo động lực để nhiều gia đình nỗ lực đầu tư cho thế hệ trẻ, bản thân các em HSSV cũng mang trong mình một ý thức trách nhiệm trong học tập. Sau khi ra trường có việc làm, hầu hết các em đã cùng gia đình trả nợ đầy đủ. Từ đó, nguồn vốn của chương trình lại tiếp tục quay vòng cho các thế hệ HSSV sau được chắp cánh ước mơ đến giảng đường.

Bảo đảm an sinh xã hội

Chương trình tín dụng HSSV được khởi đầu từ tháng 3/1998 theo Quyết định số 51 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Quỹ tín dụng đào tạo do Ngân hàng Công Thương thực hiện. Cuối năm 2002, NHCSXH được thành lập, Quỹ tín dụng đào tạo chuyển về NHCSXH quản lý với dư nợ 76 tỷ đồng (38.000 HSSV được vay), nhưng tỷ lệ nợ quá hạn lên đến 13%.

Trải qua nhiều giai đoạn, Chương trình tín dụng HSSV đã ngày càng mở rộng đối tượng, mức cho vay cũng được điều chỉnh linh hoạt, tăng dần phù hợp với thực tế. Phương thức cho vay chuyển từ cho vay trực tiếp HSSV sang cho vay theo hộ gia đình đã phát huy hiệu quả bảo toàn nguồn vốn. Sự tham gia tích cực của chính quyền và 4 tổ chức hội, đoàn thể (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên), nhất là ở cấp cơ sở đã giúp cho việc bình xét cho vay dân chủ, đúng đối tượng với quy trình giải ngân đơn giản, thuận tiện; công tác thu hồi nợ sát sao. Việc tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chương trình được triển khai rộng rãi, nên mọi hộ vay đều nhận thức việc trả nợ là để cho những hộ khó khăn khác được vay. Bên cạnh đó, các chương trình tín dụng ưu đãi về phát triển kinh tế khác cũng được NHCSXH đồng thời triển khai, góp phần tạo nguồn thu cho các hộ có điều kiện trả gốc và lãi đúng hạn.

Hàng triệu lượt HSSV thuộc diện nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học trong hơn 10 năm qua đã khẳng định Chương trình tín dụng HSSV mang ý nghĩa lớn cả về kinh tế, chính trị và xã hội; tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Đối tượng được vay vốn

HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm:

1. HSSV mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

2. HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng:

- Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật.

- Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.

3. HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh, trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

(Điều 2, Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ)

 

Bài và ảnh Mai Khôi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác