Cần điều chỉnh lãi suất ưu đãi đối với hộ cận nghèo

06/09/2013
(VBSP News) Sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện Quyết định số 15/2013/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo, NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi đã cho hơn 3.200 hộ cận nghèo vay với số tiền hơn 76 tỷ đồng. Ðây là lần đầu các hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH để sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, điều làm các hộ dân băn khoăn, chưa mạnh dạn vay vốn là do mức lãi suất ưu đãi này hiện cao hơn so với mức lãi suất cho vay của các Ngân hàng thương mại (NHTM).
Gia đình chị Đinh Thị Lốp đã giải tỏa được nỗi lo thiếu vốn

Gia đình chị Đinh Thị Lốp đã giải tỏa được nỗi lo thiếu vốn

Vợ chồng anh Ðinh Phía và chị Ðinh Thị Lốp ở xóm Gò Ràng, thôn Gò Gia, xã Sơn Linh, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi), trước đây từng thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống vô cùng khó khăn. Cuối năm 2009, gia đình chị đã vay NHCSXH 15 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo để trồng sắn, keo và vay thêm 23 triệu đồng từ chương trình cho vay xuất khẩu lao động để cho con trai sang Ma-lai-xi-a làm việc. Chắt chiu dành dụm đến năm 2012, gia đình chị cũng đã thoát nghèo, tuy nhiên cuộc sống vẫn còn bấp bênh. Kế hoạch mở rộng sản xuất tưởng chừng phải bỏ dở do thiếu vốn, thì Quyết định 15 ra đời đã trở thành “phao cứu sinh” cho những hộ cận nghèo như gia đình anh chị. Chị Lốp tâm sự: “Không được vay vốn ưu đãi do không còn trong diện hộ nghèo, nhưng cũng không thể tiếp cận được vốn vay từ các NHTM do gia đình không có sổ đỏ, gia đình tôi tưởng như bế tắc vì không biết lấy đâu ra tiền để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Ðúng lúc này, được các hội, đoàn thể và NHCSXH bình xét cho vay 25 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi hộ cận nghèo, gia đình đã giải tỏa được nỗi lo thiếu vốn”.

Sau hơn 4 tháng triển khai Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cho vay hộ cận nghèo. Đến nay, NHCSXH đã giải ngân được gần 4.600 tỷ đồng, đạt trên 98% kế hoạch năm 2013. Một số chi nhánh tỉnh, thành phố có dư nợ cao là: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, thành phố Cần Thơ và Hà Nội.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Linh Nguyễn Phan Thanh Hải, toàn xã hiện có 1.391 hộ với 4.988 khẩu; trong đó có gần 87% là người dân tộc Hrê. Tỷ lệ hộ nghèo mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao, chiếm gần 51% với 706 hộ. Tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 12,07% với 168 hộ. Cũng theo ông Hải, những hộ cận nghèo là những gia đình tuy đã thoát nghèo song chưa thật sự bền vững. Họ có thể tái nghèo bất cứ lúc nào chỉ sau một biến cố thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa… Do đó, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo ra đời không chỉ mang lại sự phấn khởi, tiếp sức cho người dân trong quá trình vươn lên cải thiện đời sống kinh tế, mà còn giúp chính quyền địa phương có thêm nguồn vốn, động lực để kết quả công tác giảm nghèo trên địa bàn được bền vững hơn.

Trước đây, trong khi các hộ nghèo được hưởng nhiều chính sách ưu đãi từ Chính phủ, đặc biệt là ưu đãi về tín dụng, thì các hộ cận nghèo lại không được hưởng bất kỳ một chính sách ưu đãi nào dù cuộc sống của họ cũng không khá hơn các hộ nghèo là mấy. Kinh tế khó khăn nên nhu cầu vay vốn của đối tượng này cũng rất lớn. Do vậy, chính sách cho hộ cận nghèo vay vốn theo Quyết định 15 có thể được coi như cơ hội để các địa phương tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo một cách bền vững. Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế từ chính các địa phương, việc áp dụng lãi suất đối với hộ cận nghèo là 10,14%/năm lại đang trở thành gánh nặng trả lãi đối với họ.

Cách đây gần 3 tháng, gia đình anh Võ Duy Ðiệp ở thôn Ðại An Ðông 1, xã Nghĩa Thuận, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư nuôi bò sinh sản. Với lãi suất áp dụng cho hộ cận nghèo là 0,845%/tháng, mỗi tháng gia đình anh phải trả với số tiền hơn 250 nghìn đồng. Trong khi kinh tế còn nhiều khó khăn, so sánh mức lãi suất này với lãi suất cho vay hộ nghèo và lãi suất các NHTM khác đang áp dụng, anh Ðiệp không khỏi phân vân, lo lắng và mong mỏi được giảm lãi suất cho phù hợp mặt bằng lãi suất đang giảm dần như hiện nay. Ðây cũng là nguyện vọng chung của phần lớn các hộ dân đã, và đang muốn vay vốn.

Là người trực tiếp có nhiều cuộc tiếp xúc với các hộ dân, Phó bí thư huyện ủy, Chủ tịch HÐND huyện Sơn Hà Nguyễn Thái cho biết: Ngay sau khi có văn bản hướng dẫn thực hiện Quyết định về cho vay ưu đãi đối với hộ cận nghèo, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cấp hội, đoàn thể, sở, ngành liên quan và NHCSXH để tuyên truyền, triển khai trên địa bàn toàn huyện. Khẳng định đây là một chính sách ưu đãi kịp thời, hợp lòng dân, nhưng ông Nguyễn Thái cũng cho biết, phần lớn người dân đều băn khoăn về lãi suất. Ðây có thể coi là nguyên nhân chính khiến việc triển khai cho vay chương trình này chưa trôi chảy. Ông Nguyễn Thái kiến nghị Chính phủ, NHCSXH nên điều chỉnh giảm lãi suất, tăng cường thêm nguồn vốn cho địa phương để phù hợp thực tế hiện nay.

Ðồng quan điểm, Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Ngãi Lê Văn Dũng cho rằng, trước đây, các đối tượng vay vốn của NHCSXH với lãi suất ưu đãi thường thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay của các NHTM. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn các NHTM đã giảm lãi suất đáng kể, nhiều ngân hàng cho vay với lãi suất dưới 10%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay của NHCSXH vẫn giữ nguyên ở mức hơn 10%/năm. Ðiều này khiến không ít người dân băn khoăn, so sánh, từ đó nảy sinh tâm lý e ngại khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này. Do đó, Giám đốc Lê Văn Dũng đề nghị Chính phủ xem xét hạ mức lãi suất cho vay các chương trình tín dụng của NHCSXH phù hợp lãi suất thị trường hiện nay; đồng thời, bổ sung nguồn vốn cho tỉnh Quảng Ngãi thêm khoảng 150 tỷ đồng để cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định 15. Theo số liệu điều tra, đầu năm 2012 toàn tỉnh Quảng Ngãi có hơn 31.800 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 9,76%. Qua rà soát có 23 nghìn hộ cận nghèo chưa được vay vốn từ chương trình, trong đó có hơn 12 nghìn hộ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn, ước tính nhu cầu vốn cho chương trình này là hơn 230 tỷ đồng.

Phó Tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý cho biết: Sau hơn 4 tháng thực hiện, NHCSXH đã cho hơn 150 nghìn hộ cận nghèo vay vốn với dư nợ gần 4.600 tỷ đồng. Với xu thế ổn định dần nền kinh tế và xu thế hạ lãi suất của các NHTM, NHCSXH cũng đang lập đề án trình Chính phủ giảm lãi suất của các chương trình để có lãi suất tiệm cận với lãi suất thị trường, trong đó có chương trình tín dụng đối với hộ cận nghèo. Hiện NHCSXH dự kiến trình đưa mức lãi suất dành cho hộ cận nghèo từ 10,14%/năm xuống còn 9,36%/năm. Mức lãi suất này sẽ bằng khoảng 80% lãi suất cho vay trung, dài hạn các loại của các NHTM Nhà nước.

Hồng Anh - Báo Nhân Dân

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác