Giải cơn khát cho hộ cận nghèo

03/09/2013
(VBSP News) Sau hơn 4 tháng thực hiện Quyết định 15/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã có hàng trăm nghìn hộ cận nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
NHCSXH giao dịch tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam)

NHCSXH giao dịch tại xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước (Quảng Nam)

Niềm vui có vốn

Tính đến hết tháng 7/2013 cả nước đã có hơn 212 nghìn lượt hộ cận nghèo được vay từ NHCSXH tổng cộng hơn 1.152 tỷ đồng với lãi suất 10,14%/năm (bằng 130% lãi suất cho vay hộ nghèo).

Sau gần 2 giờ đi xe ngoằn nghèo theo con đường tỉnh lộ 616 của tỉnh Quảng Nam, chúng tôi đến xã Trà Giang, huyện miền núi Bắc Trà My khi mây vẫn còn bảng lảng trên các sườn núi. Ông Bùi Văn Quyên, 59 tuổi, ở thôn 5, là một hộ dân tộc Mường di cư vào xã Trà Giang từ năm 1993 cho biết, trước đây cuộc sống rất khó khăn, hai vợ chồng làm quần quật nuôi 5 con ăn học. May nhờ có nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH cho vay theo các chương trình hộ nghèo, chương trình trồng rừng của World Bank và cho vay HSSV, nên kinh tế gia đình đã dần ổn định. Năm 2012, gia đình ông Quyên ra khỏi danh sách hộ nghèo nhưng thu nhập vẫn còn bấp bênh. Ông cũng rất lo không biết lấy đâu ra vốn để tiếp tục phát triển vì chương trình hộ nghèo không được vay nữa, rừng keo thì vài năm nữa mới cho thu hoạch. Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ về cho vay hộ cận nghèo như một luồng gió mát giúp ông Quyên vay thêm 30 triệu đồng để tiếp tục trồng keo.

Cũng ở thôn 5, ông Huỳnh Hai có chung niềm vui được tiếp tục vay vốn để phát triển sản xuất. Ông bộc bạch: Ngày xưa ăn bữa trưa đã lo bữa tối. May nhờ có NHCSXH cho vay vốn ưu đãi nên đã đạt mức thu nhập hộ cận nghèo vào năm 2012. Vừa rồi, được vay 30 triệu đồng theo diện hộ cận nghèo nên ông rất phấn khởi cho biết “tuy chưa đủ nhưng cũng đỡ kẹt”.

Từ miền núi xuôi về vùng quê cách mạng xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bà con nơi đây lại sử dụng vốn vay cận nghèo chủ yếu để phát triển chăn nuôi gia đình. Chị Hồ Thị Anh, ở thôn 4 Châu Bí, được vay 20 triệu đồng đã đầu tư mua 1 con bò hết 15 triệu đồng, số tiền còn lại chị để xây chuồng và mua thêm 2 con lợn sữa. Hộ chị Nguyễn Thị Thu Thúy lại dùng 20 triệu đồng vốn vay hộ nghèo để mua 14 con lợn sữa và xây chuồng, mua cám. Họ đều là những hộ gia đình mới thoát nghèo nhưng thu nhập vẫn chưa thật sự ổn định, chưa có nhiều tích lũy, rất dễ tái nghèo bởi làm nông nghiệp gặp nhiều rủi ro. Trong khi đó, chính sách cho vay hộ nghèo lại không còn được hưởng. Nguồn vốn vay từ NHCSXH theo Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời tiếp sức để người dân có điều kiện phát triển kinh tế.

Con bò mua từ vốn vay chương trình hộ cận nghèo là tài sản có giá trị lớn nhất của gia đình chị Hồ Thị Anh

Con bò mua từ vốn vay chương trình hộ cận nghèo là tài sản có giá trị lớn nhất của gia đình chị Hồ Thị Anh

Hiệu quả từ ủy thác

Để đồng vốn ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng, phát huy hiệu quả, bảo toàn vốn để tiếp tục cho các hộ chính sách khác vay, NHCSXH đã có phương thức hoạt động đặc trưng là ủy thác qua các hội, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên; đồng thời, việc giải ngân được thực hiện tại xã để giảm bớt các chi phí cho người vay.

Chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đúng vào ngày giao dịch của NHCSXH. Chị Võ Thị Thu Thôi - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Chi hội Phụ nữ thôn 5 cho biết, trong tổ có 14 hộ cận nghèo, qua bình xét họp bàn ở thôn thì có 3 hộ cận nghèo được vay vốn đợt đầu. Việc bình xét rất kỹ, tính đến hoàn cảnh của từng gia đình.

Ở xã Trà Giang, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Triệu Thị Chăm cũng khẳng định việc bình xét các hộ vay vốn theo các chương trình tín dụng của NHCSXH được tiến hành rất chặt chẽ từ thôn. Bên cạnh đó, Hội Phụ nữ còn phối hợp với chính quyền, trung tâm khuyến nông tổ chức các buổi tập huấn, lồng ghép các nội dung chuyển giao kỹ thuật trong các nội dung sinh hoạt hội… Nhờ đó, nhiều chị em thời gian đầu vay vốn còn sợ chưa biết làm gì, nay đã được hướng dẫn cách làm ăn, sử dụng đồng vốn hiệu quả.

Cũng chính nhờ hệ thống các hội, đoàn thể và chính quyền tích cực tham gia, đồng thời thông qua các buổi giao dịch lưu động tại xã nên các chủ trương, chính sách mới như Quyết định 15 đã được triển khai nhanh chóng đến tận cơ sở. Ông Nguyễn Hữu Chương - Giám đốc NHCSXH huyện Điện Bàn cho biết, ngay khi Quyết định của Thủ tướng được ban hành chưa đến ngày có hiệu lực, đường dây nóng của ngân hàng đã nhận được rất nhiều cuộc gọi của bà con thúc giục. Sau khi Quyết định có hiệu lực từ 16/4/2013, chỉ chưa đầy 3 tháng NHCSXH huyện đã giải ngân gần 10 tỷ đồng cho các hộ cận nghèo vay. Điều đó chứng tỏ nguồn vốn chẳng khác gì trận mưa quý giá giữa cơn nắng hạn.

Còn đó ưu tư

Đánh giá cao nguồn vốn theo chương trình cận nghèo giúp đồng bào vươn lên phát triển kinh tế, nhưng ông Nguyễn Ngọc Bích - Phó Chủ tịch UBND xã Trà Giang cũng băn khoăn, nhu cầu vốn lớn, nhưng lãi suất cho vay cũng hơi cao so với hộ nghèo nên cũng có người ngần ngại. Đặc biệt là với 95% hộ dân trên địa bàn xã làm nông nghiệp, những rủi ro như dịch bệnh, hạn hán… rất dễ khiến người dân tái nghèo. Ông Trần Quốc Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Điện Tiến cũng nhận xét, lãi suất tương đương với thị trường cho vay của các Ngân hàng thương mại thì các hộ dân cũng gặp khó khăn khi trả lãi hàng tháng. Hiện trên địa bàn chỉ có nuôi bò là có lãi hơn nhưng mức vốn cho vay ít chỉ đủ mua 1 con bò dẫn đến tốc độ quay vòng vốn cũng chậm. Nhưng dù sao nếu đi vay bên ngoài thì các hộ cận nghèo cũng không có khả năng và thủ tục cũng nhiêu khê hơn ở NHCSXH. 

Theo chúng tôi được biết, NHCSXH cũng đã có văn bản kiến nghị giảm lãi suất cho vay với hộ cận nghèo để phù hợp với tình hình thị trường. Tuy vậy, về lâu dài, chính sách ưu đãi tín dụng của Nhà nước sẽ giảm dần việc ưu đãi bằng lãi suất, mà tập trung vào ưu đãi ở chất lượng phục vụ như giao dịch tại xã, không phải thế chấp, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thời gian trả nợ phân kỳ kéo dài…  

Ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Nam:

Bố trí thêm vốn cho chương trình cận nghèo

Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH tỉnh Quảng Nam thực hiện đã gần 3 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 5 toàn quốc. Nhờ làm tốt công tác quản lý vốn, chủ động phối hợp với các hội, đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát nên đồng vốn giải ngân đã phát huy hiệu quả, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ có 0,38%. Chính quyền tỉnh và nhiều huyện, thị cũng cấp vốn từ ngân sách địa phương hàng năm để thông qua NHCSXH cho vay các hộ nghèo, giải quyết việc làm… Triển khai Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, chi nhánh đã lập kế hoạch giải ngân 50 tỷ đồng, sau do thấy nhu cầu lớn nên đã bổ sung thêm 20 tỷ đồng, đồng thời nguồn thu nợ từ các chương trình khác cũng được tiếp tục chuyển sang hộ cận nghèo vay.

 

 

Bà Lưu Thị Bích Ngọc - Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Quảng Nam:

Không chỉ ưu đãi bằng lãi suất

Việc nhận ủy thác với NHCSXH đã giúp nâng cao uy tín và chất lượng sinh hoạt của các cấp Hội Phụ nữ. Trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng, đã có nhiều ý kiến từ cơ sở đề nghị cho hộ cận nghèo vay vốn. Bởi vậy, Quyết định 15 ra đời đã được triển khai nhanh chóng đến cơ sở. Tuy nhiên, lãi suất của hộ cận nghèo hiện tương đương với lãi suất của các Ngân hàng thương mại nên cũng có ý kiến so bì. Chúng tôi đã giải thích rằng đây là mức lãi suất cố định, không như Ngân hàng thương mại lên xuống theo thị trường. Bên cạnh đó, hộ vay không phải thế chấp, thủ tục nhanh gọn, được giải ngân tại xã nên không mất nhiều chi phí đi…

 

Ông Đặng Tấn Giản - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam:

Tiếp đà thoát nghèo

Hộ cận nghèo thường là các hộ vừa mới thoát nghèo, đã biết cách làm ăn, đang có sẵn đà phát triển nên nhu cầu vay vốn còn cao hơn cả hộ nghèo. Bởi vậy, tôi cho rằng cần tăng cường vốn vay và các sự hỗ trợ khác để hộ cận nghèo phát triển bền vững.

Mai Khôi

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác