Vốn ưu đãi chính sách: Nhu cầu cao, nguồn lại có hạn!
Hiệu quả từ tín dụng ưu đãi
Từ nguồn vốn cho vay ưu đãi và các giải pháp chỉ đạo, điều hành linh hoạt, những tháng đầu năm 2013, NHCSXH tỉnh Bình Dương đã thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Doanh số cho vay đạt 118,4 tỷ đồng, với 10.215 hộ được vay vốn, tổng dư nợ đạt 908,8 tỷ đồng, 62.179 hộ vay còn dư nợ, đạt 99% kế hoạch. Vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, đã hỗ trợ kịp thời cho hơn 62.000 hộ chính sách, gần 4.000 lao động có việc làm, nâng tổng số hộ có việc làm lên 24.343 hộ, gần 14.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, xây dựng gần 17.000 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường ở nông thôn.
Bà Trần Thị Thanh Thúy, hộ nghèo ở ấp An Quới, xã An Sơn, thị xã Thuận An cho biết, công việc làm ăn bấp bênh của hai vợ chồng không đủ tiền cho 4 con ăn học. May mắn, nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH thị xã Thuận An thông qua Chương trình tín dụng HSSV, các con bà mới tiếp bước đến trường. Đến nay, việc học tập của các cháu đã ổn định, một cháu đang học đại học và một cháu học trường Cao đẳng Y tế. “Mặc dù cuộc sống vẫn còn những khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ kịp thời, Chương trình tín dụng HSSV thực sự có ý nghĩa với gia đình tôi”, bà Thúy tâm sự.
Cùng hoàn cảnh khó khăn như gia đình bà Thúy, nhiều hộ gia đình như chị Lý Thu Dung, chị Hà Thị Minh, chị Đỗ Thị Thu Thủy… ở phường Thuận Giao, thị xã Thuận An cũng đã vươn lên thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi. Những năm trước, gia đình các chị thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhờ chịu khó làm ăn, gia đình đã vượt qua được nghèo khó, ổn định cuộc sống.
Khó khăn trong việc cân đối nguồn vốn
Có rất nhiều minh chứng cho những đổi thay của đời sống người dân, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi tiếp cận được đồng vốn ưu đãi. Tuy vậy, việc đầu tư tín dụng cho các đối tượng này còn gặp không ít khó khăn. Hiện chuẩn hộ nghèo, cận nghèo của địa phương cao (bình quân 800.000 - 1.000.000 đồng/tháng/ người) so với chuẩn của Trung ương (400.000 - 500.000 đồng/tháng/người) dẫn đến nguồn vốn của Trung ương chuyển về để cho các đối tượng này vay ngày càng thu hẹp, trong khi địa phương chưa có nguồn vốn thay thế tương ứng.
Thực tế này khiến nguồn vốn cho nông dân vay qua tín chấp của các tổ chức hội, đoàn thể thường ở mức tối đa 30 triệu đồng/hộ nên chưa đáp ứng được nhu cầu. Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp Cầu Sắt, Lai Hưng, huyện Bến Cát, Nguyễn Văn Nghĩa cho biết, chính sách tín dụng lại đóng khung hạn mức, trong khi nhu cầu vay vốn thì tăng lên, nhiều đối tượng mong muốn tăng mức cho vay đối với chương trình hộ nghèo và giải quyết việc làm lên mức 50 triệu đồng/hộ, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tăng lên 10 triệu đồng/công trình. Có vậy mới tạo điều kiện cho người dân đủ vốn làm ăn, tạo việc làm cho hộ gia đình và con em hội viên.
Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Bình Dương Võ Văn Đức, chia sẻ: “NHCSXH tỉnh luôn tìm mọi giải pháp để đáp ứng kịp thời nguồn vốn ưu đãi, nhưng bất cập hiện nay là nhu cầu về tín dụng chính sách lớn nhưng nguồn lực tài chính có hạn, NHCSXH tỉnh phải đối mặt với áp lực trong huy động và cân đối nguồn vốn. Trong năm nay, NHCSXH tỉnh và Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã được UBND tỉnh ra Quyết định thành lập Quỹ giải quyết việc làm địa phương, nhưng trong bối cảnh khó khăn, tỉnh chưa bố trí được nguồn vốn để chúng tôi thực hiện an sinh xã hội, tạo việc làm cho nhân dân trên địa bàn”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Bình Dương Huỳnh Văn Nhị khẳng định: “Từ nhiều năm qua, NHCSXH tỉnh Bình Dương đã có những cách làm linh động, tranh thủ nguồn vốn của Trung ương để thực hiện các chương trình giảm nghèo của tỉnh một cách nhanh chóng. Dù nguồn vốn hạn hẹp song tỉnh xác định sẽ dành nguồn vốn của địa phương để giải quyết một phần nhu cầu vốn ưu đãi”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị chỉ đạo, bên cạnh việc NHCSXH tỉnh nâng cao khả năng huy động, cân đối vốn, tích cực rà soát, xử lý kịp thời và ngăn chặn các vụ xâm tiêu, chiếm dụng vốn. Đối với những xã, huyện có chất lượng tín dụng thấp, cần xây dựng phương án, đề án nâng cao chất lượng tín dụng và thành lập tổ thu hồi nợ xấu. “Kiểm tra lại tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí mới của tỉnh, trên cơ sở đó tính toán sự trượt giá của thị trường, tỉnh sẽ xem xét cân đối và đáp ứng nhu cầu vốn, mục tiêu chung nhất là bảo đảm mức cung ứng vốn tương xứng với mức phát triển ở khu vực đô thị công nghiệp”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Nhị nhấn mạnh.
Bài và ảnh Thanh Hồng
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Lao động sang Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng
- » Mô hình "Tổ phụ nữ không có nợ quá hạn" ở Bạc Liêu
- » Mô hình "Tổ phụ nữ không có nợ quá hạn" ở Bạc Liêu
- » Khánh thành Phòng Truyền thống ngành Ngân hàng
- » Tín dụng hộ cận nghèo "cứu" người dân bãi ngang
- » Đồng chí Dương Quyết Thắng - Uỷ viên HĐQT, Tổng giám đốc NHCSXH làm việc tại tỉnh Lạng Sơn
- » Mở đường thoát nghèo bền vững
- » Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình làm việc tại Bắc Giang
- » Cú hích cho hộ cận nghèo tại tỉnh Bình Phước
- » Phát huy hiệu quả công tác an sinh xã hội