Cú hích cho hộ cận nghèo tại tỉnh Bình Phước

13/08/2013
(VBSP News) Từ năm 2003 đến nay, nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH, hàng trăm nghìn hộ nghèo ở Bình Phước có điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh, nuôi con ăn học... từng bước cải thiện đời sống. Giờ đây, diện mạo vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Bình Phước đang khởi sắc, số hộ thoát nghèo ngày càng nhiều.
Có vốn, hộ cận nghèo tại tỉnh Bình Phước đầu tư phát triển chăn nuôi bò

Có vốn, hộ cận nghèo tại tỉnh Bình Phước đầu tư phát triển chăn nuôi bò

Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Bình Phước đạt trên 1.250 tỷ đồng, tăng 32 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2012 và đạt 44% kế hoạch tăng trưởng; trong đó, dư nợ tập trung chủ yếu ở 4 chương trình lớn là cho vay hộ nghèo với trên 380 tỷ đồng, cho vay HSSV là 271 tỷ đồng, cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên 400 tỷ đồng.

Hiện số hộ nghèo và hộ cận nghèo toàn tỉnh Bình Phước là hơn 8.169 hộ, trong đó, số hộ có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh là rất lớn, họ chính là đối tượng dễ bị tổn thương trước áp lực kinh tế và trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Và chính trong đối tượng cận nghèo này có một bộ phận không nhỏ là những hộ nghèo vươn lên từ nguồn vốn ưu đãi nhưng khi thoát nghèo lại không có một chính sách tín dụng ưu đãi dành cho họ để tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh, trong khi đó để tiếp cận nguồn vốn từ các Ngân hàng thương mại là rất khó nên ranh giới giữa thoát nghèo và tái nghèo hết sức mong manh. Trên thực tế, điều kiện sống và năng lực sản xuất của hộ nghèo và hộ cận nghèo đều hạn chế như nhau nên chỉ cần một rủi ro nhỏ trong sản xuất hay trong cuộc sống thì khả năng tái nghèo là rất cao.

Vì thế, Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ là một chính sách hợp lòng dân, có ý nghĩa hết sức quan trọng, là cơ hội để hộ cận nghèo có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, là đòn bẩy để vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngay khi có Quyết định, NHCSXH tỉnh đã cùng các ban ngành, hội, đoàn thể triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp theo sự chỉ đạo của cấp trên; đồng thời, tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, đối tượng thụ hưởng để người dân biết. Nhờ đó, đến nay đã giải ngân được gần 72 tỷ đồng cho trên 4.717 hộ cận nghèo.

Gia đình chị Thạch Thị Hường ở phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài được vay 20 triệu đồng nguồn vốn chương trình cho vay hộ cận nghèo để đầu tư chăm sóc điều, chị Hường cho biết: “Nhà có 2ha vườn trồng điều, những năm trước không có vốn đầu tư chăm sóc nên năng suất thu hoạch thấp. Nay được vay vốn của NHCSXH gia đình tập trung đầu tư vào chăm sóc và trồng mới vườn điều. Hy vọng với sự đầu tư này, cuộc sống của gia đình tôi khấm khá hơn”.

Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, bên cạnh những nỗ lực của NHCSXH tỉnh Bình Phước thì cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, công tác điều tra, rà soát toàn bộ hộ cận nghèo trên địa bàn phải được tiến hành một cách chính xác, công khai, minh bạch và phải cập nhật kịp thời được sự biến động của số hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Đồng thời, chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cần nâng cao trách nhiệm trong công tác tuyên truyền và bình xét cho vay. Bên cạnh đó, đòi hỏi chính quyền các cấp, đặc biệt các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cần phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay; tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn bà con cách thức làm ăn để hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác thay đổi cách nghĩ, cách làm từ đó sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, nhằm vươn lên phát triển kinh tế.

Bài và ảnh Bùi Danh Thanh

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác