Giữ việc làm thời khó khăn

07/08/2013
(VBSP News) Trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, nhiều cơ sở, doanh nghiệp, làng nghề trên địa bàn huyện Phú Xuyên (TP. Hà Nội) vẫn đứng vững, một phần là nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn ưu đãi. Cũng nhờ đó, việc làm cho người lao động ở những cơ sở, doanh nghiệp này được duy trì.
Lao động làm việc tại xưởng của Hợp tác xã Sơn khảm Ngọ - Hạ

Lao động làm việc tại xưởng của Hợp tác xã Sơn khảm Ngọ - Hạ

Nhu cầu về các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam tại các thị trường lớn suy giảm và vốn để đầu tư sản xuất đó là hai khó khăn mà các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề đang phải đối mặt.

Xoay xở duy trì sản xuất

Công ty TNHH xuất nhập khẩu Phú Tuấn là một trong số ít những doanh nghiệp, cơ sở đan guột tế trên địa bàn xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên còn “sống sót” trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế. Anh Nguyễn Văn May - Giám đốc công ty cho biết, doanh nghiệp của anh “trụ” được từ năm 2008 tới nay là do các sản phẩm làm ra vẫn xuất khẩu được qua các thị trường quan trọng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu. “Một trong những yếu tố giúp cho doanh nghiệp còn hoạt động được là do chúng tôi phải đưa một số nguyên liệu mới vào nhằm giảm giá thành; cải tiến, sáng tạo thêm các mẫu mã sản phẩm… Và yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì được hoạt động cho đến hôm nay là vì xoay xở được vốn” - anh May nói.

Vẫn duy trì được hoạt động, nhưng quy mô và công suất của Hợp tác xã Sơn khảm Ngọ - Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên đã phải giảm xuống. Bà Nguyễn Thị Vui - Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết, sản lượng sản phẩm đồ gỗ, khảm sơn mài xuất khẩu đã giảm sút dưới tác động của suy giảm kinh tế. Hiện nay, Hợp tác xã cố gắng duy trì công ăn việc làm cho mấy chục lao động tại chỗ. Các sản phẩm của Hợp tác xã hiện chỉ xuất khẩu được một ít qua thị trường Đài Loan, Trung Quốc, còn lại chủ yếu bán trong các hội chợ, triển lãm…

Một miếng khi đói

Cũng như doanh nghiệp Phú Tuấn, nhờ tạo lập được mối xuất khẩu hàng trực tiếp với đối tác nước ngoài, đổi mới, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm nên Công ty trách nhiệm hữu hạn Mây tre đan Hiền Lương, xã Phú Túc vẫn duy trì được hoạt động và tạo việc làm cho hơn 100 lao động. Anh Trần Văn Quyền - phụ trách kinh doanh của công ty cho biết, giai đoạn khó khăn nhất của doanh nghiệp bắt đầu từ năm 2012, khi các ngân hàng thắt chặt dòng vốn cho vay. “Cũng may là lúc đó, doanh nghiệp của chúng tôi được NHCSXH cho vay 400 triệu đồng. Món vay không lớn nhưng là nguồn hỗ trợ, động viên rất lớn để doanh nghiệp xoay xở hoàn thành các đơn hàng đã ký, từ đó tạo vốn quay vòng cho các đơn hàng sau này…” - anh Quyền cho hay.

Dư nợ nguồn vốn ưu đãi cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện Phú Xuyên thông qua NHCSXH hiện đạt gần 30 tỷ đồng. Nguồn vốn đang giúp 986 khách hàng là các chủ trang trại, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, Hợp tác xã ổn định sản xuất…

Theo anh Nguyễn Văn May, 1 chu kỳ vốn lưu động của 1 đơn hàng mây tre đan từ 1 -3 tỷ đồng. Nếu doanh nghiệp nào nặng về vay vốn Ngân hàng thương mại ở thời điểm lãi suất cao thì rất nguy hiểm, bởi chi phí vốn “ăn” hết vào phần lãi của doanh nghiệp. Nguy hiểm hơn là khi đã ký được các hợp đồng xuất khẩu nhưng vì tâm lý lo sợ nợ xấu nên ngân hàng không cho vay khiến doanh nghiệp hoặc phải chạy tìm nguồn vốn khác, hoặc phải đền do hủy hợp đồng. “Chính 450 triệu đồng của NHCSXH cho vay đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp của tôi duy trì được hoạt động. Hơn 30 lao động sản xuất tại xưởng và hàng trăm lao động vệ tinh khác nhờ đó mà có việc làm, ổn định thu nhập. Đúng là một miếng khi đói bằng một gói khi no” - anh May chia sẻ.

Như các doanh nghiệp nói trên và nhiều cơ sở sản xuất khác, Hợp tác xã Sơn khảm Ngọ - Hạ cũng được NHCSXH cho vay 250 triệu đồng vốn ưu đãi đúng thời điểm kinh tế khó khăn, tín dụng thương mại thắt chặt. Theo bà Chủ nhiệm Nguyễn Thị Vui, vốn ưu đãi đã góp phần giúp Hợp tác xã duy trì việc làm cho nhiều lao động, trong đó có hàng chục người khuyết tật vốn là lao động gắn bó lâu dài với Hợp tác xã.

Phương Đông

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác