Đồng vốn nâng đỡ HSSV nghèo
Đến trường nhờ vốn vay ưu đãi
Cầm trên tay cuốn Sổ vay vốn của NHCSXH, ông Hoàng Đức Khích ở thôn Vân Hào, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) không giấu nổi niềm vui khoe với chúng tôi: “Nhà tôi có 2 con học Đại học Kiến trúc ở Hà Nội và Đà Nẵng, đứa lớn chưa ra trường thì đứa kế có giấy báo nhập học. Bố mẹ thì ngoài công việc đồng áng còn làm thêm cả nghề mộc nhưng số tiền kiếm ra cũng chẳng thấm vào đâu để chu cấp cho các con. May có vốn vay từ chương trình tín dụng HSSV mà các con tôi được đến trường. Hiện nay, tổng số tiền vay của tôi là 64 triệu đồng, tôi mong sao Nhà nước tiếp tục nâng mức cho vay của chương trình để các gia đình có hoàn cảnh khó khăn có đủ tiền trang trải chi phí học tập cho các con”.
Có hoàn cảnh khó khăn như ông Hoàng Đức Khích, hộ ông Trần Minh Thường ở thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân thuộc diện hộ cận nghèo, có 2 người con học đại học và cao đẳng. NHCSXH huyện Vĩnh Tường đã cho gia đình ông vay tổng số tiền 30 triệu đồng, nhờ vậy các con ông đã được đến trường. Ông Thường tâm sự: “Nếu không có Chương trình tín dụng HSSV các con tôi đã phải bỏ học rồi, tôi biết ơn Đảng, Nhà nước và NHCSXH đã giúp chúng tôi được vay vốn đó cho các con học tập. Tôi hứa, khi các con học xong sẽ hoàn trả đầy đủ vốn vay nhiều ân nghĩa này”.
Từ năm 2007 tới nay, thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối tượng vay được mở rộng bao gồm cả HSSV thuộc hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo, hộ gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh và các đối tượng là HSSV mồ côi. Mức cho vay cũng được nâng lên từ 800.000 đồng/người/tháng đến nay là 1.100.000 đồng/người/tháng, lãi suất hiện nay là 0,65%/tháng. Đã có rất nhiều HSSV trên cả nước nói chung và tại huyện Vĩnh Tường nói riêng được đến trường học tập, trở thành những con người có ích cho xã hội nhờ được thụ hưởng vốn vay từ chương trình tín dụng HSSV.
Đôi điều trăn trở
Bà Vũ Thị Hồng Khuyên - Giám đốc NHCSXH huyện Vĩnh Tường cho biết, qua 6 năm thực hiện Quyết định 157, đến ngày 30/9/2013 Ngân hàng đã cho hơn 10.694 hộ vay vốn chương trình tín dụng HSSV, với tổng doanh số cho vay 258.531 triệu đồng, tổng dư nợ 156.779 triệu đồng. Nguồn vốn đã đến tay HSSV kịp thời thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, xóm và 29 Điểm giao dịch tại các xã/phường/thị trấn trong toàn huyện. Đến nay, trên địa bàn huyện không còn tình trạng HSSV phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí. Rất nhiều HSSV ra trường có việc làm đang tích cực cùng với gia đình trả nợ, trả lãi cho ngân hàng.
Tuy nhiên, vẫn còn một số trăn trở, băn khoăn khi triển khai thực hiện chương trình tín dụng HSSV đó là việc xác nhận đối tượng HSSV của một số trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề còn chậm, dẫn đến NHCSXH phải giải ngân chậm nguồn vốn này, gây khó khăn cho HSSV trong việc trang trải chi phí học tập. Bên cạnh đó, hiện nay không chỉ huyện Vĩnh Tường mà còn nhiều địa phương khác gặp phải đó là tình trạng một số gia đình không quá khó khăn nhưng có từ 2 con trở lên học đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, đây là nhóm đối tượng cũng rất cần sự trợ giúp vốn vay từ chương trình tín dụng HSSV để có đủ tiền chu cấp cho các con ăn học.
Công tác thu nợ, thu lãi của chương trình tín dụng HSSV còn gặp một số khó khăn, nhiều hộ gia đình và HSSV vẫn chưa trả được nợ khi đến hạn, nguyên nhân là sau khi ra trường, HSSV chưa có việc làm, trong khi gia đình còn gặp khó khăn về kinh tế, điều này gây nên những khó khăn nhất định cho phía NHCSXH trong công tác thu nợ, thu lãi. Bên cạnh đó, với tình hình tăng học phí của các trường như hiện nay và sự leo thang của giá cả thị trường thì mức cho vay hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế của HSSV.
Để phát huy hiệu quả của chương trình mang đậm tính nhân văn này, hy vọng trong thời gian tới, Chính phủ sẽ bổ sung thêm đối tượng là hộ gia đình có 2 con là HSSV đang theo học đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề vào đối tượng được thụ hưởng vốn vay của chương trình tín dụng HSSV và có giải pháp hiệu quả tạo việc làm cho HSSV sau khi ra trường. Đồng thời, tiếp tục nâng mức cho vay phù hợp với sự biến động của giá cả thị trường để HSSV có đủ tiền trang trải chi phí học tập, theo đuổi ước mơ đến giảng đường đại học.
Bài và ảnh Trần Nguyên Giáp
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Người nghèo ở xã Hòa Bình không còn trông chờ, ỷ lại
- » Đồng vốn sinh sôi
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Quảng Nam họp phiên thường kỳ
- » Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi
- » Mang niềm vui đến người nghèo
- » Tín dụng ưu đãi nâng cánh HSSV tại Quảng Trị
- » Để nghề mây tre đan ở xã Hoằng Thịnh đứng vững
- » Quảng Bình: Không ai phải nghỉ học vì nghèo
- » Phát triển mô hình kinh tế từ Tổ tiết kiệm và vay vốn
- » Luôn đồng hành với hộ nghèo