Hiệu quả từ chương trình tín dụng HSSV ở Bắc Giang

18/09/2013
(VBSP News) Bắc Giang là tỉnh bán sơn địa, có 10 huyện, thành phố; trong đó có 1 huyện vùng cao, 6 huyện miền núi với 20 dân tộc anh em chung sống. Tỉnh có số dân là 1,6 triệu người, trong đó có 12% là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với bình quân của cả nước.
Phụ huynh HSSV nhận vốn vay ngay tại Điểm giao dịch xã

Phụ huynh HSSV nhận vốn vay ngay tại Điểm giao dịch xã
                                                                                                                                                                                    Ảnh: Tư liệu

Ðặc biệt, đối với những vùng miền núi, vùng cao, do địa bàn rộng, hạ tầng kinh tế - xã hội thấp, giao thông khó khăn,  nên tỷ lệ học sinh được đến trường giảm dần ở các bậc học. Chương trình tín dụng HSSV theo Quyết định số 157/2007/QÐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ đã mở ra cơ hội được tiếp tục học tập hoặc học nghề cho đối tượng là HSSV có hoàn cảnh khó khăn.

Chia sẻ niềm vui sau khi được vay 1,1 triệu đồng/tháng trong thời gian 3 năm, Nông Thị Tâm, sinh viên trường Cao đẳng nghề Bắc Giang xúc động: “Nhà em ở xã Giáo Liêm, huyện Sơn Ðộng, bố mẹ nghèo, cho nên khi học xong trung học, em định thôi học nhưng khi được biết Nhà nước có Chương trình tín dụng HSSV, em đã làm đơn vay tiền để đi học và được chấp nhận. Với số tiền được vay, em sẽ đóng học phí và trang trải một phần sinh hoạt”.

Chị Bùi Thị Hồng ở Sa Lý, huyện Lục Ngạn, chồng mất, một mình chị nuôi 4 đứa con đang tuổi ăn học. Chị kể rằng, mình đã rớt nước mắt khi lần đầu tiên được nhận tiền vay của Chương trình tín dụng HSSV. “Thằng lớn học hết lớp 9, muốn học tiếp phải sang trung tâm cụm xã mới có trường. Vậy lại phải ở trọ, phải mua gạo, mua rau… nuôi cháu đến trường, mà nhà nghèo không lấy đâu ra tiền. May có người mách Chương trình tín dụng cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay. Tôi làm đơn và được duyệt vay 1,1 triệu đồng/tháng, cũng gần đủ cho các cháu được đến trường với chúng bạn”, chị Hồng tâm sự.

Thống kê của NHCSXH tỉnh Bắc Giang, đơn vị quản lý nguồn vốn cho vay của tỉnh, đến nay, chương trình đạt dư nợ 1.013 tỷ đồng, bình quân tăng 200 tỷ đồng mỗi năm. Toàn tỉnh hiện có hơn 49 nghìn hộ gia đình và hơn 60 nghìn HSSV được vay vốn, trung bình mỗi năm có khoảng 15 nghìn HSSV được nhận sự trợ giúp từ nguồn vốn này. Ðể triển khai có hiệu quả, NHCSXH tỉnh đã tổ chức mạng lưới 4.589 Tổ tiết kiệm và vay vốn phủ kín các thôn, bản, xóm, làng trong toàn tỉnh. Ngoài ra, ngân hàng cũng thiết lập 223 Điểm giao dịch tại xã, hàng chục tổ giao dịch lưu động cùng hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Những “mắt xích” này đã góp phần đáp ứng nhu cầu vốn vay cũng như bảo đảm chính xác, công bằng trong việc bình xét đối tượng được thụ hưởng chính sách.

“Không để người dân đủ tiêu chuẩn, có nhu cầu vay vốn mà không được vay cũng như hạn chế đến mức thấp nhất nguồn vốn bị sử dụng sai mục đích, sai đối tượng”, ông Ngô Gia Quát - Giám đốc NHCSXH tỉnh Bắc Giang khẳng định.

Sau hơn 5 năm triển khai, Chương trình tín dụng HSSV chiếm tỷ trọng đến 40% trong tổng số 11 chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh Bắc Giang. Tỷ trọng của Chương trình tín dụng HSSV tương đương với chương trình cho vay hộ nghèo và trở thành một trong hai chương trình cho vay chủ đạo của hệ thống NHCSXH tỉnh. Yếu tố tích cực và hiệu quả mà chương trình mang lại đối với cộng đồng, đặc biệt là hộ nghèo có con em trong độ tuổi đến trường là hết sức to lớn.

Quan trọng hơn, như đánh giá của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Hạnh: “NHCSXH tỉnh cũng như các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn đã làm tốt Quyết định số 157/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh tính nhân văn sâu sắc, chương trình đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế và xã hội trong nhiệm vụ xóa nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; tạo sự bình đẳng trong giáo dục của cộng đồng…”.

Theo Trần Thường - Báo Nhân Dân

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác