Người nghèo ở xã Hòa Bình không còn trông chờ, ỷ lại
Vợ chồng anh Lý Tài Tịnh ở thôn Thác Cát tuy còn trẻ nhưng sinh tới 4 người con nên nhiều năm thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2007, anh Tịnh vay được 30 triệu đồng từ NHCSXH với lãi suất 0,65%. Có tiền, anh đầu tư vào chăn nuôi, trồng rừng. Từ chỗ chỉ có vài con lợn, anh mở rộng đàn lên 2 con lợn nái và 3 chuồng nuôi lợn thịt. Thêm vào đó, anh thả cá, mua keo trồng rừng. Hết thời hạn 3 năm, anh Tịnh đã trả được hết vốn vay cho ngân hàng mà vẫn còn dư tiền để tiếp tục đầu tư chăn nuôi. Từ đó, anh cùng một số hộ gom tiền đi TP. Hạ Long mua bã bia về chăn lợn. Hiện giờ, trong chuồng nhà anh có 1 con lợn rừng nái, 2 con lợn nái và 12 con lợn thịt, chưa kể đến hơn 1ha keo đang sinh trưởng tốt và 1 ao cá chưa thu hoạch. Anh phấn khởi nói: “Hết 3 năm vay vốn, nhà tôi từ hộ nghèo đã thoát nghèo. Con cái cũng được đi học đầy đủ. Bây giờ, kinh tế gia đình tôi đã vững hơn, không phải vay vốn ngân hàng nữa…”.
Cũng phát triển kinh tế theo mô hình VAC, anh Hoàng Văn Hải ở thôn Đồng Lá đang nổi lên là một trong những người làm kinh tế giỏi ở xã Hoà Bình. Trước đây, vợ chồng anh chỉ sống nhờ cấy lúa, làm thuê. Mấy năm trước, anh vay 30 triệu đồng để làm ăn. Việc đầu tiên là anh cải tạo ao chuồng, làm thêm chuồng chăn nuôi lợn, xây hầm biôga, thực hiện mô hình chăn nuôi khép kín. Công việc chăn nuôi thuận lợi, anh không những trả hết vốn cho ngân hàng mà còn có vốn dư. Anh Hải cho biết: “Mình có sức khoẻ, vườn đất lại rộng. Chỉ cần có vốn, dám làm và biết học hỏi kinh nghiệm của người đi trước là có thể thành công”. Nghĩ là làm, anh Hải hiện đang đầu tư gần trăm triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại mới với quy mô nuôi từ 90 - 100 con lợn. Anh cũng đang xây bể để chuẩn bị nuôi lươn. Cách nuôi lươn anh học hỏi trên mạng Internet. Anh cũng về TX. Quảng Yên mua chiếc máy chế biến thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm trị giá gần 6 triệu đồng để chuẩn bị cho việc chăn nuôi lớn. Anh Hoàng Văn Hải còn làm đề án chăn nuôi tổng hợp để vay vốn ngân hàng, tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế.
Ông Lý Tiến Thanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Bình cho biết: “Cả xã có 113 hộ nông dân đang vay vốn NHCSXH với số tiền trên 1,6 tỷ đồng. Từ số tiền này, bà con đã đầu tư để chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh buôn bán. Nhờ đó, nhiều hộ đã thoát nghèo, có kinh tế ổn định. Rất nhiều hộ sau khi trả cả gốc và lãi còn dư tiền, tiếp tục quay vòng đầu tư”. Ông Thanh cũng cho biết thêm, một số hộ dân trong xã đã mạnh dạn xây dựng mô hình kinh tế gia trại. Đây là điều mà từ trước tới nay ở Hoà Bình chưa ai dám làm. Với lợi thế đất đai rộng rãi, có rừng, có đồi, có ruộng, hy vọng các mô hình gia trại mới của xã sẽ thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Theo Hoàng Nhi - Báo Quảng Ninh
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Đồng vốn sinh sôi
- » Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Quảng Nam họp phiên thường kỳ
- » Hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi
- » Mang niềm vui đến người nghèo
- » Tín dụng ưu đãi nâng cánh HSSV tại Quảng Trị
- » Để nghề mây tre đan ở xã Hoằng Thịnh đứng vững
- » Quảng Bình: Không ai phải nghỉ học vì nghèo
- » Phát triển mô hình kinh tế từ Tổ tiết kiệm và vay vốn
- » Luôn đồng hành với hộ nghèo
- » Động lực thúc đẩy phát triển cây cao su tiểu điền