Sơn Định hoàn thành tiêu chí thu nhập sớm

03/10/2013
(VBSP News) Cùng các nguồn lực khác, nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ NHCSXH thời gian qua đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bến Tre. Kết quả đã có 14 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; 106 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí... Đối với Sơn Định là một trong 5 xã điểm xây dựng Nông thôn mới của tỉnh đang chạy đua để về đích vào cuối năm 2014, trong đó, tiêu chí đạt khá sớm của xã là thu nhập.
Toàn xã Sơn Định đã có 28 tổ, nhóm sản xuất với 824 thành viên sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi trồng cây ăn trái

Toàn xã Sơn Định đã có 28 tổ, nhóm sản xuất với 824 thành viên sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi trồng cây ăn trái

Ông Trần Thiện Tuấn - Chủ tịch UBND xã Sơn Định, huyện Chợ Lách cho biết: chỉ nói riêng về tiêu chí thu nhập thì ở nhiều địa phương đang xây dựng Nông thôn mới phải lo đến giờ cuối chưa chắc đạt, còn ở xã Sơn Định tiêu chí này lại đạt khá sớm bởi có sự chung tay, hợp lực của nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể và sự hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ thông qua kênh NHCSXH.

Hiện tại mức thu nhập bình quân trong toàn xã là 23 triệu đồng/người/năm, đã gần với thành thị. Chính tiêu chí thu nhập đã kéo tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã chỉ còn 6,5% trong năm 2012 và đến cuối năm 2013 dự kiến sẽ giảm còn 5%.

Để đạt được tiêu chí thu nhập, ngay từ khi triển khai xây dựng Nông thôn mới, Lãnh đạo xã Sơn Định đã xác định việc vay vốn và sử dụng vốn ưu đãi của NHCSXH làm đòn bẩy chính cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng như đầu tư các mô hình cánh đồng mẫu lớn, vườn cây ăn quả mẫu tại địa phương.

Bây giờ, hầu hết các hộ nghèo, hộ cận nghèo ở tất cả các xóm, ấp vùng quê Sơn Định được vay vốn ưu đãi, cải tạo 840ha đất vườn để trồng cây ăn trái. Song song với việc vay vốn, thì công tác lồng ghép sử dụng vốn vay với đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất cũng được tập trung thực hiện. Theo đó, động lực cho 2.114 hộ dân đang trực tiếp canh tác trên mảnh đất nông nghiệp là sản xuất theo hình thức liên kết, hợp tác để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.

Ông Nguyễn Văn Bản - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Định chia sẻ: “Trước khi chưa bắt tay xây dựng Nông thôn mới, đa phần nhà vườn sản xuất tự phát, thiếu vốn liếng lại thiếu cả kiến thức, kỹ thuật nên hiệu quả không cao, chi phí tăng”.

Trên cơ sở đó, Hội Nông dân xã đã chủ động xây dựng dự án và được NHCSXH cùng Trung tâm giống cây trồng của huyện Chợ Lách giúp đỡ, nên đã tập hợp nông dân vay vốn giải quyết việc làm đầu tư thâm canh vườn, và tiến hành chuyển giao các quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. Đến nay, toàn xã đã có 28 tổ, nhóm sản xuất với 824 thành viên sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi trồng cây ăn trái đạt mức thu nhập bình quân trên 25 triệu đồng/người/năm, cao hơn mặt bằng chung của xã khoảng 2 triệu đồng/người/năm.

Hiện tại, mô hình vườn cây ăn trái mẫu với sự hỗ trợ của nguồn vốn chính sách và KHKT đang được địa phương nhân rộng. Bình quân nhà vườn trồng cây đặc sản như: Sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, vườn ươm cây giống… ở xã Sơn Định được vay vốn của NHCSXH từ 20 - 50 triệu đồng và đã cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, tăng từ 30 - 50% so với cách đây 3 năm khi chưa được hỗ trợ trực tiếp nguồn vốn ưu đãi.

Nhà vườn Phạm Đắc Linh ở ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định, là 1/32 tổ viên đang có dư nợ 50 triệu đồng với NHCSXH huyện chợ Lách trồng 120 cây sầu riêng, 500 cây bưởi da xanh, 3ha nhãn tiêu, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, nói rằng “Vào tổ liên kết được 4 năm nay, tôi được vay vốn ưu đãi thuận lợi, kịp thời và học được nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất tiên tiến nên đã làm cho trái ngon hơn, an toàn hơn, vừa đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng, bán được giá cao, tăng thu nhập gấp bội”.

Ông Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết thêm “Khi đồng vốn ưu đãi được sử dụng đúng mục đích đã giúp cho nhà vườn giảm nghèo nhanh, bền vững, đạt được thu nhập cao, ổn định, đồng thời còn giải quyết được cơ cấu lao động nhàn rỗi ở nông thôn”.

Ông Trần Thiện Tuấn - Chủ tịch UBND xã Sơn Định khẳng định: “Cái hay của việc vay vốn, sử dụng vốn chính sách đạt hiệu quả rõ rệt nhất là tăng thu nhập, kéo nông thôn về gần với thành thị. Tuy nhiên, đối với vùng quê Sơn Định nói riêng và các nhà vườn ở Nam Bộ nói chung thì cần giúp nông dân có thị trường xuất khẩu; tăng cường hỗ trợ vốn ưu đãi để giúp bà con phát triển làng nghề sản xuất cây giống và tiềm năng du lịch sinh thái. Đây là cách góp phần nâng cao hiệu quả đồng vốn vay của NHCSXH xây dựng nền nông nghiệp xanh - sạch trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội”.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác