Ưng cái bụng người Mông

09/10/2013
(VBSP News) Xín Cái là một trong 3 xã biên giới của huyện Mèo Vạc (Hà Gang). Xã có 19 bản thì 6 bản giáp biên (8,5km). 72% dân số trong xã là người Mông. Sống ở vùng cao nguyên đá đất thiếu, nước khát... Trước đây, trên 80% hộ nghèo. Được Nhà nước đầu tư, NHCSXH cho vay vốn, dân không còn di cư tự do, tập trung phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 50%. Nhiều hộ thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu. Nông dân Ly Sia Sinh là một điển hình.
Nhờ trồng cỏ nuôi bò, gia đình Lý Sia Sinh và nhiều nông dân ở xã Xín Cái đã thoát nghèo

Nhờ trồng cỏ nuôi bò, gia đình Lý Sia Sinh và nhiều nông dân ở xã Xín Cái đã thoát nghèo

Ly Sia Sinh năm nay 54 tuổi, dân tộc Mông, ở bản Khai Hoang, xã Xín Cái. Sinh ra và lớn lên giữa vùng đất đầy khắc nghiệt, nhưng anh không cam phận nghèo, không đầu hàng hoàn cảnh khó khăn. Anh tự tìm đường đi, bằng cách lên xã xin đăng ký tham gia các chuyến thăm quan, học hỏi kinh nghiệm ở các nơi có các mô hình điểm về phát triển kinh tế gia đình trong và ngoài tỉnh do Hội Nông dân tổ chức. Được đến tận nơi, tai nghe, mắt thấy nhiều hộ người Mông làm ăn giỏi, hỏi cặn kẽ cách làm, về nhà anh áp dụng. “Trước hết mình lo cái bụng, phải có ngô, lúa cả nhà ăn đủ mới lo được chuyện khác, anh Sinh tâm sự. Từ năm 2004, được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, gia đình mình đã đưa giống mới ngô, lúa vào gieo trồng, thay thế các giống cũ của địa phương năng suất thấp. Thế là, từ 17kg giống lúa lai San ưu 63 và Nhị ưu 838 gia đình thu được trên 4 tấn lúa, cao gần gấp 2 lần giống lúa địa phương. Ngoài ra, các giống ngô lai (Bioseed 9698 và DK 888), mỗi năm gia đình thu được trên 4 tấn ngô hạt. Lúa, ngô dư thừa, cái đói truyền kiếp bị cắt. Mình lại nghĩ sang chăn nuôi lợn”. Nghĩ là làm. Trong chuồng gia đình anh Sinh lúc nào cũng có hàng chục con lợn thịt vỗ béo, mỗi năm thu về khoảng 30 triệu đồng - sau khi đã trừ hết các khoản chi phí.

Xóa được đói, nhưng phải giảm được nghèo. Sau những năm 2000, huyện Mèo Vạc chủ trương phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng sẵn có phát triển kinh tế. Huyện phát động phong trào tận dụng đất đai mọi chỗ, mọi nơi nhà nhà trồng cỏ, chăn nuôi bò hàng hóa. Theo đó, huyện trực tiếp hỗ trợ người dân mua giống cỏ VA 06, cỏ voi về trồng với định mức 3 triệu đồng/ha; hỗ trợ lãi suất cho các hộ vay vốn phát triển chăn nuôi bò với mức vay từ 5 - 30 triệu đồng, thời hạn vay 3 năm không tính lãi. Nghe chủ trương của huyện hợp với cái bụng người Mông, Ly Sia Sinh bàn với gia đình vay NHCSXH thêm 15 triệu đồng để mua bò giống về nuôi và trồng cỏ. Ban đầu chỉ có 2 con bò, nhưng biết cách lấy ngắn nuôi dài, biết áp dụng KHKT vào chăn nuôi đến nay trong chuồng bò nhà anh Sinh lúc nào cũng có trên dưới 20 con bò. Ngoài nuôi bò sinh sản anh còn mua bò gầy về vỗ béo, đây là một nghề mới ở Mèo Vạc. “Hằng tháng mình đi các chợ lân cận trong và ngoài huyện mua những con bò gầy về nuôi, vỗ béo, - anh Sinh kể, Sau khi nuôi khoảng 3 - 4 tháng lại mang ra chợ bán cho các thương lái dưới xuôi lên mua, trừ hết các khoản chi phí, còn lãi 3 - 5 triệu đồng/con”. Để có nguồn thức ăn đảm bảo cho chăn nuôi bò, gia đình anh Sinh đã khai hoang, tận dụng mọi chỗ, mọi nơi trên núi đá có đất; đồng thời, chuyển những diện tích trồng ngô, đậu tương năng suất thấp sang trồng cỏ voi, cỏ VA 06 nuôi bò. Tính đến hết năm 2012, gia đình anh đã có 2,5ha cỏ phục vụ cho chăn nuôi gia súc. Đến cửa ngõ Xín Cái - Đồn Biên phòng Xăm Pun là “ngưỡng khí hậu” - đỉnh rét của tỉnh Hà Giang. Để chống chọi với mùa đông khắc nghiệt cho đàn bò ở nơi địa đầu miền Tây tổ quốc, anh Sinh nhiều lần tham gia lớp tập huấn của Trung tâm khuyến nông về dự trữ, chế biến, bảo quản cỏ làm thức ăn dự trữ qua mùa đông cho gia súc. Nhờ vậy, đàn bò luôn an toàn, béo tốt, mang về cho gia đình nguồn thu khoảng 80 triệu đồng/năm. Gia đình anh không chỉ thoát nghèo bền vững, mà còn vươn lên khá giả và sung túc.

Ly Sia Sinh là đại diện cho thế hệ nông dân mới ở vùng biên Xín Cái. Ngoài quyết tâm, vượt khó xây dựng kinh tế gia đình, anh còn giúp đỡ các hộ nghèo trong thôn, bản bằng những cách làm thiết thực, cụ thể, như: cho vay vốn không tính lãi, hoặc đầu tư con giống bò, lợn, trao đổi kinh nghiệm cho các hộ phát triển chăn nuôi. “Bà con nghèo cũng như mình, khổ lắm. Mình làm như thế nào thì nói lại với bà con thế ấy, để cùng nhau vượt khó. Được Nhà nước giúp đỡ, NHCSXH cho vay vốn, ai cũng cố gắng thì thoát nghèo được thôi” -  Ly Sia Sinh chia sẻ (!)

Từ năm 2008 đến nay, anh nông dân người Mông Ly Sia Sinh luôn được UBND và HĐND huyện Mèo Vạc biểu dương, khen ngợi và tặng nhiều Giấy khen, với thành tích vượt khó, làm giàu giữa vùng đất “khát”, thừa đá, thiếu đất sản xuất và sinh sống.

Bài và ảnh Khánh Châu

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác