Ba Tơ làm giàu từ phát triển rừng

03/10/2013
(VBSP News) Những năm gần đây, Ba Tơ luôn đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội so với 5 huyện miền núi khác của tỉnh Quảng Ngãi. Kinh tế của huyện phát triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được kết quả cao, góp phần giúp người dân thoát nghèo nhanh và bền vững.
Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ bán cây giống cho dân

Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ bán cây giống cho dân

Huyện Ba Tơ có khoảng 52.000 dân, đang sinh sống tại 20 xã và thị trấn, trong đó 85% dân số là dân tộc Hre. Ba Tơ có 97.278ha đất rừng, chiếm gần 86% diện tích tự nhiên. Đất rộng, người thưa, trước đây người dân miền núi Ba Tơ sản xuất chủ yếu đốt nương làm rẫy trồng ngô, sắn, không biết chọn cây trồng chủ lực nên đất bị bỏ hoang nhiều. Gần 10 năm trở lại đây, qua khảo nghiệm của Trung tâm khuyến nông, khuyến lâm, người nghèo được tiếp cận với tín dụng ưu đãi của NHCSXH, huyện xác định trồng rừng nguyên liệu; keo là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, góp phần xóa nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

Hiện nay, mỗi hộ gia đình ở huyện miền núi Ba Tơ sở hữu từ 1 - 2ha keo nguyên liệu và có hàng trăm hộ đã trồng từ 5ha trở lên. Đây cũng là điều kiện để những gia đình kinh tế khó khăn có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững. Chị Phạm Thị Đi ở thôn 3, xã Ba Vinh là một thí dụ. Trước đây hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhà chỉ có 2 sào ruộng, mùa màng thất bát thường xuyên, chị phải đi làm thuê nhưng không đủ nuôi 4 miệng ăn trong nhà, lo tiền cho con đi học. Thông qua Hội Phụ nữ, chị được vay 15 triệu đồng từ NHCSXH. Để đồng vốn vay sinh sôi, chị Đi thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, kết hợp chăn nuôi và trồng trọt. Chị kể: ban đầu tôi sử dụng vốn đầu tư chăn nuôi heo, sau đó có vốn nhiều hơn một chút tôi mua trâu về nuôi, vừa để bán, vừa dùng làm sức kéo làm đất trồng lúa. Có vốn nhiều hơn, tôi trả hết nợ ngân hàng, còn dư tiếp tục tận dụng đất đồi trồng keo. Đến nay, tôi có gần 8ha keo gần cho thu hoạch, ngoài ra gia đình còn nuôi 4 con trâu, 4 con lợn, hằng năm có thu nhập ổn định từ 30 - 40 triệu đồng. Bà Phạm Thị Thuyền - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ba Vinh, nhận xét: chị Đi là một trong những gương điển hình làm kinh tế giỏi, các chị em khác cần học tập, làm theo.

Hoàng Đức Kiểm dân tộc Tày, sinh năm 1985, trong một gia đình bố là thương binh, mẹ bị bệnh tật ốm yếu nên từ bé anh đã phải cáng đáng hầu hết công việc nhà nông. Sức trai trẻ, không cam phận nghèo, từ năm 2007 mới 22 tuổi, Kiểm đã lặn lội tìm đến các mô hình sản xuất hiệu quả trong xã, trong huyện và thường xuyên gặp gỡ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm để học hỏi kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi. Khởi nghiệp từ 10 triệu đồng vốn vay của NHCSXH, Hoàng Đức Kiểm ở thôn Ba Vân, xã Ba Phùng hạ quyết tâm khai hoang mở đất, trồng rừng nguyên liệu giấy, nuôi thí điểm 5 con heo nái, 15 con heo thịt. Sau 6 tháng miệt mài lao động, đàn heo bán được giá, bước đầu thu lợi nhuận khá, anh tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại nuôi heo và trồng thêm cây keo lá tràm. Đến nay, nhờ ham học hỏi, nổ lực vượt khó và sự tiếp sức đúng lúc của đồng vốn ưu đãi, anh đã có một trang trại với 42ha cây lâm nghiệp, 2.500m2 cây mì cao sản và đàn heo 38 con trị giá cả trăm triệu đồng. Anh còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 8 lao động tại chỗ, với mức thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng/người. Hoàng Đức Kiểm được tuổi trẻ xã Ba Phùng “vinh danh”: thanh niên sử dụng vốn vay hiệu quả, thoát nghèo và làm giàu trên vùng đất khó.

Cây keo lá tràm trồng 5 - 7 năm là khai thác, khai thác xong người dân lại gieo ươm cây con để trồng mới. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng đơn giản phù hợp với đồng bào dân tộc Hre. Từ năm 2006 đến nay, bình quân mỗi năm huyện Ba Tơ trồng gần 6.600ha rừng nguyên liệu, đến nay đạt gần 60.000ha, nâng độ che phủ của rừng lên trên 66,4%. Hiện nay, giá mua nguyên liệu chưa ổn định, dao động ở mức 900 nghìn đến 1 triệu đồng/tấn, bình quân 1ha keo 5 tuổi cho thu nhập 40 - 50 triệu đồng. Huyện Ba Tơ hiện có 1.700 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có khoảng 90% giàu lên nhờ trồng keo. Cùng với việc trồng keo nâng cao hiệu quả kinh tế, người dân Hre cũng đã nâng cao được nhận thức bảo vệ rừng, xóa bỏ cách làm du canh theo truyền thống.

Bài và ảnh Minh Quốc

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác