Hội CBB tỉnh Nam Định quản lý hiệu quả nguồn vốn ủy thác

09/10/2013
(VBSP News) Chương trình hợp tác giữa Hội CCB và NHCSXH tỉnh Nam Định đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hội viên CCB có điều kiện tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Nguồn vốn ưu đãi đã được chuyển tải kịp thời tới các khách hàng là người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong tỉnh Nam Định

Nguồn vốn ưu đãi đã được chuyển tải kịp thời tới các khách hàng là người nghèo và các đối tượng chính sách khác trong tỉnh Nam Định
                                                                                                                                                                                                 Ảnh: Tư liệu

Hội CCB tỉnh Nam Định đã tập trung chỉ đạo Hội CCB các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn làm tốt việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của hội viên; củng cố, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, chỉ đạo, hướng dẫn 100% xã, phường, thị trấn thành lập 449 Tổ tiết kiệm và vay vốn, tuyển chọn đội ngũ cán bộ Tổ tiết kiệm và vay vốn có kiến thức, nhiệt tình và trách nhiệm với công việc; thường xuyên phối hợp với NHCSXH tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho các thành viên trong tổ về công tác vay vốn, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm phát huy hiệu quả đồng vốn… Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, việc quản lý, tín dụng vốn vay và thủ tục cho vay, thu nợ ở các đơn vị đảm bảo đúng quy trình.

Đến hết tháng 9/2013, Hội CCB tỉnh đang quản lý tổng dư nợ cho vay 246,046 tỷ đồng thuộc 7 chương trình cho vay là: hộ nghèo, hộ cận nghèo, cho vay HSSV, cho vay nước sạch vệ sinh môi trường, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo làm nhà ở với tổng số 13.837 hộ hội viên được vay vốn. Ngoài ra, Hội CCB tỉnh đang quản lý 65 dự án vay vốn giải quyết việc làm từ các kênh khác với tổng số vốn vay là 2,2 tỷ đồng (trong đó vốn giải quyết việc làm do Trung ương Hội CCB Việt Nam quản lý là 570 triệu đồng; vốn giải quyết việc làm do UBND tỉnh quản lý 1,43 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương quản lý 200 triệu đồng).

Để phát huy hiệu quả đồng vốn, Hội CCB tỉnh đã tổ chức được 400 lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật và các buổi toạ đàm theo chuyên đề về sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi và thực hiện uỷ thác vay vốn của NHCSXH đến 19.000 lượt hội viên CCB; kết hợp hướng dẫn nghiệp vụ quản lý nguồn vốn và những vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai chương trình vay vốn như: giải pháp xử lý nợ quá hạn, bổ sung những văn bản chính sách mới, góp phần nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội CCB quản lý.

Điển hình như ông Triệu Văn Tấn ở xã Hiển Khánh, huyện Vụ Bản, năm 2009, được NHCSXH cho vay 70 triệu đồng từ nguồn nhận ủy thác của Hội CCB xã, ông đã đầu tư xây dựng chuồng trại rộng hơn 1.000m2 chăn nuôi 8.000 con gà thịt theo mô hình công nghiệp. Lứa gà đầu thắng lợi, ông dành cả vốn, lãi và vay thêm anh em đầu tư mở rộng quy mô nuôi gà. Đến nay, mỗi lứa ông nuôi từ 19 - 20.000 con gà thịt, mỗi năm xuất bán từ 230 - 250 tấn gà, doanh thu đạt từ 8 - 9 tỷ đồng/năm. Trang trại gà của ông còn tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Thông qua việc nhận uỷ thác nguồn vốn vay ưu đãi cho hội viên CCB vay phát triển kinh tế, nhiều gia đình hội viên đã thoát nghèo vươn lên làm giàu, góp phần tích cực cùng địa phương xây dựng Nông thôn mới.

Văn Thứ

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác