Vùng đồi Tiên Phước xanh tươi mãi

09/10/2013
(VBSP News) Tiên Phước là huyện miền núi thấp nằm ở phía Tây của tỉnh Quảng Nam, có tổng diện tích tự nhiên 45.440ha, trong đó: đất lâm nghiệp đất đồi chiếm hơn một nửa. Toàn huyện có 15 xã, thị trấn nhưng có đến 14 xã thuộc vùng khó khăn và tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn khá cao, gần 30% trong tổng số 17.629 hộ vào thời điểm năm 2008.
Tiên Phước coi phát triển rừng là kinh tế mũi nhọn

Tiên Phước coi phát triển rừng là kinh tế mũi nhọn

Xác định được nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do thiếu vốn, thiếu kiến thức sản xuất, do vậy cùng với thực hiện các giải pháp huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực và tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến tỉnh. Huyện Tiên Phước thường xuyên quan tâm chỉ đạo điều hành sử dụng các nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua kênh NHCSXH để tạo nội lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Thời gian qua, hơn 260 tỷ đồng thuộc 11 chương trình tín dụng ưu đãi (tính cả chương trình cho vay hộ cận nghèo mới được triển khai trong năm 2013) được chuyển trực tiếp đến đúng đối tượng thụ hưởng thông qua 15 Điểm giao dịch lưu động của NHCSXH tại trụ sở UBND xã và các tổ chức hội, đoàn thể làm dịch vụ uỷ thác cũng như 265 Tổ tiết kiệm và vay vốn được bố trí đều khắp ở 108/108 thôn, xóm, khối phối trên toàn huyện.

Đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện Tiên Phước đã tạo ra những kết quả đáng kể trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng, mô hình trang trại tổng hợp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân nói chung và hộ nghèo, đối tượng chính sách nói riêng. Đa số hộ gia đình đã biết cách sử dụng nguồn vốn chính sách đạt hiệu quả kinh tế.

Tiên Phước mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, khắc phục những rủi ro trong trồng trọt, chăn nuôi như thiên tại, dịch bệnh phá hoại. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, nhiều mô hình kinh tế vườn, kinh tế trang trại trên địa bàn huyện phát triển bền vững, cho thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm, tiêu biểu như trang trại nuôi gà thả vườn của ông Phan Trọng Vinh ở thôn 6, xã Tiên An; vườn cây thanh trà của ông Đăng Lực xã Tiên Hiệp; trại chăn nuôi gà rừng của ông Võ Duy Ân xã Tiên Hà; trại ươm giống Dó trầm của ông Trần Vũ Linh xã Tiên Mỹ…

Theo đánh giá của ông Phùng Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Tiên Phước: “Nhờ làm tốt công tác tín dụng chính sách nên đã góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế vườn, kinh tế trang trại, đáng kể đến 2.200 hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc Kor ở 10 xã đã sử dụng hơn 55 tỷ đồng của NHCSXH vào mục đích thực hiện dự án phát triển lâm nghiệp do Ngân hàng Thế giới (WB3) tài trợ, trồng rừng nguyên liệu giấy phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Qua 5 năm, thông qua dự án, NHCSXH huyện Tiên Phước và các đơn vị liên quan đã hỗ trợ đắc lực các hộ gia đình có điều kiện tiếp cận với kỹ thuật trồng rừng và nguồn vốn chính sách để phát triển kinh tế đồi rừng. Riêng ở xã Tiên Cảnh đã có trên 200 hộ vay 5,8 tỷ đồng, bình quân mỗi hộ vay 30 triệu đồng chiếm 37% tổng dư nợ của xã với NHCSXH để đầu tư mua cây giống, phân bón, chi phí công lao động vào trồng và chăm sóc rừng.

Nhờ tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi này mà hiện nay xã Tiên Phước có hơn 350ha rừng keo, mỡ, bạch đàn. Những cánh rừng phủ xanh cả vùng đất trống, hoang hóa, hứa hẹn mùa no đủ cho người làm nghề rừng.

Ông Nguyễn Văn Sự ở thôn 5A, xã Tiên Cảnh đã vay 30 triệu đồng từ chương trình cho vay Dự án phát triển ngành lâm nghiệp, ông Sự đã trồng được 4ha keo lá chàm trên vùng đất đồi, tâm sự: Những năm trước, do đất nông nghiệp ít nên gia đình tôi phải đi xây thuê mãi ngoài thị trấn. Ngày nay, cả 3 bố con tôi đã trở về quê vay vốn NHCSXH để làm ăn tại vùng đất đồi bằng nghề trồng rừng theo dự án”. Cũng theo ông Sự thì đầu tư 1ha rừng nguyên liệu giấy phải chi phí từ 10 - 12 triệu đồng cho việc trồng mới và chăm sóc, sau 6 năm sẽ cho thu hoạch từ 60 - 70 triệu đồng/ha. Trừ chi phí, và trả lãi ngân hàng, mỗi ha rừng đem lại số tiền lời bình quân mỗi năm từ 8 - 10 triệu đồng/ha, đối với những hộ trồng rừng theo dự án từ 3 ha rừng trở lên chắc chắn sẽ giàu có sung túc.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền - Phó giám đốc phụ trách NHCSXH huyện Tiên Phước, vào thời gian đầu mới triển khai Dự án, cán bộ tín dụng chính sách cũng gặp khá nhiều khó khăn, như ý thức của các hộ dân chưa thấy được tác dụng của việc trồng rừng  phủ xanh đất trống, đồi trọc cũng như chưa nắm rõ quy trình thủ tục thực hiện Dự án. Do vậy, từ lãnh đạo đến cán bộ tín dụng NHCSXH đã cùng các thành viên trong Ban quản lý Dự án đã không quản ngại khó khăn về tận thôn, xóm vận động, tuyên truyền, giải thích và hướng dẫn hộ gia đình vay vốn ưu đãi để đầu tư trồng rừng theo Dự án. Nhờ vậy, đã nâng cao ý thức, tự giác nhiệt tình tham gia sử dụng vốn ưu đãi vào đúng mục đích phủ xanh đất trống, đồi trọc bằng rừng keo, rừng cây bạch đàn.

Vậy là ngay trên vùng đất đồi bạc màu Tiên Phước ngày nay, NHCSXH đã trở thành người đồng hành tin cậy nhất và luôn sát cánh với các hộ dân nghèo, hộ cận nghèo trên con đường phát triển lâm nghiệp, mang lại màu xanh no đủ, tươi vui.

Bài và ảnh Đông Dư

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác