Tín dụng ưu đãi ở Quảng Nam: Vốn tăng trưởng cao, nợ quá hạn thấp
Thu tiền “ngắn“ trả vốn “dài“
Gia đình bà Nguyễn Thị Kim Vinh ở thôn 2 xã vùng cao Trà Giang, huyện Bắc Trà My hiện có tổng dư nợ vốn ưu đãi lên tới 141 triệu đồng. Đó là chưa kể 26 triệu đồng vốn vay cho con trai đi học đã được vợ chồng bà trả xong cả gốc lẫn lãi trước đó. Cứ đều đều mỗi tháng, bà Vinh mang nộp gần 1 triệu đồng tiền lãi. “Vợ chồng tôi thu tiền “ngắn” để trả vốn “dài”, bà Vinh khoe. Đất Trà Giang trồng chuối rất tốt, mỗi buồng chuối bà bán ngay tại chỗ được 50 nghìn đồng, rồi tiền bán hoa quả, cây giống lâm nghiệp tự ươm. “Vợ chồng tôi không ưa mắc nợ. Vốn này của Nhà nước cho vay ưu đãi thì chúng tôi càng phải có trách nhiệm hoàn trả lãi, gốc”, bà Vinh chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hoa ở thôn 5 Châu Bí, xã Điện Tiến, huyện Điện Bàn cũng là khách hàng của NHCSXH. Chắt chiu từ mớ rau, vài ổ gà mái đẻ, có khi dành dụm tiền làm mướn của chồng, mỗi tháng chị Hoa gom đủ 190 nghìn đồng trả lãi. Chị Hoa tâm sự: “Trả lãi đúng hạn không chỉ vì gia đình mà còn vì cái chung của địa phương. Nhà nước giúp vốn, mình phải cố gắng sử dụng cho tốt, không nên ảnh hưởng đến hộ khác”.
Anh Phạm Văn Minh - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 7a, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước cho biết: “Trong mấy chục thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng có lúc hộ này, hộ khác chậm tiền lãi do khó khăn. Những lúc đó, các thành viên khác trong tổ cho mượn tạm”. Bên cạnh trả lãi món vay lớn đúng thời hạn, nhiều hộ vay vốn ưu đãi còn gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn…
Ưu tiên giảm nghèo
Ông Triệu Văn Quý - Bí thư Đảng ủy xã Trà Giang, huyện Bắc Trà My khẳng định: “Qua hơn 10 năm thực hiện, vốn ưu đãi chính là công cụ, phương tiện đắc lực hỗ trợ địa phương giảm nghèo. Chính vì vậy, công tác quản lý, thu lãi, thu gốc được cấp ủy, chính quyền chỉ đạo sát sao”. Tổng dư nợ 9 chương trình tín dụng ở Trà Giang hiện đạt 26 tỷ đồng nhưng không có hiện tượng vay ké, xâm tiêu, nợ khó đòi. Bắc Trà My là huyện miền núi vùng cao với 90% đồng bào các dân tộc K’Dong, K’Ho, Xê Đăng… nhưng việc quản lý vốn ưu đãi rất tốt.
Ông Trần Đăng Ngọc - Giám đốc NHCSXH huyện cho biết: “Cùng với NHCSXH, các hội, đoàn thể tham gia ủy thác thường xuyên phối hợp với ngành nông nghiệp, lao động lồng ghép việc giải ngân vốn với tập huấn, chuyển giao, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất qua đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn…”.
Với tổng dư nợ 11 chương trình tín dụng ưu đãi là 216 tỷ đồng, huyện Tiên Phước hiện có dư nợ vốn ưu đãi lớn thứ 2 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Dư nợ lớn, nhưng nợ quá hạn hiện chỉ có 0,15%, tỷ lệ thu nợ năm 2012 đạt gần 99%.
Lý giải về dư nợ lớn nhưng chất lượng tín dụng vẫn đảm bảo, ông Nguyễn Văn Dinh - Giám đốc NHCSXH tỉnh Quảng Nam cho rằng, vì là tỉnh nghèo nên cấp ủy, chính quyền rất quan tâm tới chi nhánh NHCSXH tỉnh từ cơ sở vật chất, con người tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo. “Ngay chính ngân hàng và các hội, đoàn thể cũng phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều. Trước kia, chúng tôi lo về nguồn vốn còn bây giờ lo thêm quản lý, sử dụng hiệu quả đồng vốn. Qua theo dõi sát sao, hễ nơi nào có nợ quá hạn vượt 0,5% là chúng tôi phải “sốc” lại ngay”, ông Dinh chia sẻ.
Theo Phương Đông - Báo NTNN
Ý KIẾN ĐỘC GIẢ
Các tin bài khác
- » Hiệu quả từ chương trình tín dụng HSSV ở Bắc Giang
- » Tỷ lệ hộ nghèo miền Trung - Tây Nguyên cao gấp 1,8 lần cả nước
- » Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thăm và làm việc tại tỉnh Hải Dương
- » Một chương trình đầy tính nhân văn
- » Sẵn sàng nguồn vốn cho sinh viên vay
- » Cần điều chỉnh lãi suất ưu đãi đối với hộ cận nghèo
- » Hộ vay cam kết trả nợ đúng hạn
- » “Tín dụng đen” và trách nhiệm của ngân hàng
- » Giải cơn khát cho hộ cận nghèo
- » Giải pháp giảm thiểu tín dụng đen