Thôn Ấp sử dụng vốn vay hiệu quả

03/12/2013
(VBSP News) Thôn Ấp, xã Tượng Lĩnh, huyện Kim Bảng (Hà Nam) có 168 hộ dân, trong đó có 25 hộ gia đình thuộc diện chính sách, chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong nhiều năm qua, nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đã giúp cho các hộ gia đình ở đây đầu tư phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững và cho con em đi học...
Vốn vay ưu đãi được nhiều gia đình ở thôn Ấp đầu tư chăn nuôi bò

Vốn vay ưu đãi được nhiều gia đình ở thôn Ấp đầu tư chăn nuôi bò

Tại thôn Ấp, NHCSXH huyện Kim Bảng đã thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổ có 52 thành viên, trong đó có 46 thành viên đang sử dụng nguồn vốn của NHCSXH với tổng dư nợ đến thời điểm này là hơn 917 triệu đồng, bao gồm các chương trình: hộ nghèo, HSSV, giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nhờ có nguồn vốn trên nhiều hộ gia đình trong thôn đã cải thiện được cuộc sống, đầu tư cho các em đi học, từng bước xóa nghèo, vươn lên có cuộc sống ổn định hơn. Đặc biệt, từ khi thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn đến nay thôn Ấp cũng là một trong những đơn vị đứng đầu trong phong trào thi đua quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, không để nợ quá hạn phát sinh và nguồn vốn cho vay được sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.

Cụ thể nhờ có nguồn vốn từ NHCSXH ở thôn Ấp đã có 40 em HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trong đó có nhiều em ra trường có công ăn việc làm ổn định, đang tích cực cùng với bố mẹ trả nợ gốc và lãi trước thời hạn. Nguồn vốn vay ưu đãi còn giúp nhiều hộ nghèo trong thôn mở rộng sản xuất chăn nuôi bò, dê, lợn, gia cầm. Toàn thôn hiện nay có 30 hộ nuôi bò, dê, trong đó phần lớn các hộ đều có sự trợ giúp từ vốn vay ưu đãi.

Nói về kinh nghiệm trong việc quản lý nguồn vốn từ NHCSXH, ông Phan Quốc Văn - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn, cho biết: Hiện nay, đời sống kinh tế của nhân dân trong thôn còn gặp nhiều khó khăn do vậy việc bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình chính sách trước hết phải chặt chẽ, chọn đúng đối tượng đảm bảo công khai, minh bạch. Theo quy định thì hằng năm thôn đều rà soát lại hộ nghèo, hộ gia đình chính sách trên cơ sở đó thông qua chi ủy, chi bộ kiểm tra giám sát thực tế loại bỏ những đối tượng không đúng quy định. Toàn bộ danh sách số hộ nghèo, hộ cận nghèo lại được tổ chức họp bàn lấy ý kiến, bình xét công khai tại tổ sau đó mới trình UBND xã.

Có những gia đình khó khăn, gần đến kỳ trả vốn và lãi chưa có tiền thì Tổ trưởng phải thường xuyên đến nhà động viên, vận động bà con tính toán khoản nợ, xây dựng phương án trả gốc và lãi từng tháng đúng thời hạn cho ngân hàng. Việc vay vốn và quản lý nguồn vốn từ NHCSXH còn đưa cả vào Nghị quyết của chi bộ, giao trách nhiệm cho từng đảng viên quản lý hộ nghèo, tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt những quy định của Nhà nước và ngân hàng.

Với cách làm trên nhiều năm liền thôn Ấp đã trở thành đơn vị điển hình về sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH, nguồn vốn vay được bà con sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần quan trọng giúp bà con xóa nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.

Bài và ảnh Trần Thoan

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác