Nguồn vốn vay ưu đãi được Cựu chiến binh sử dụng hiệu quả

02/12/2013
(VBSP News) Thời gian qua, phong trào CCB thi đua phát triển kinh tế, giảm nghèo đã thu được những kết quả tích cực. Các CCB đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH để vươn lên làm giàu chính đáng.
Nhờ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, gia đình CCB Hoàng Văn Dịnh ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà thu lãi hơn 100 triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi

Nhờ sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, gia đình CCB Hoàng Văn Dịnh ở xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà
thu lãi hơn 100 triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi

Đòn bẩy xóa nghèo

Những năm qua, nguồn vốn của NHCSXH uỷ thác cho các hội, đoàn thể đã trở thành đòn bẩy, kênh quan trọng giải quyết việc “đói” vốn của các CCB không cam chịu hoàn cảnh khó khăn. Thụ hưởng nguồn vốn này là các CCB thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, các CCB đã đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt, cải tạo vườn tạp, nuôi thủy sản, sản xuất đồ mộc, dịch vụ và hoạt động sản xuất khác, tạo ra nhiều việc làm mới cho con em CCB. Từ việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi của những CCB đi trước, nhiều CCB khác đã tiếp cận vốn vay.

Chúng tôi đến thăm gia đình CCB Hoàng Văn Dịnh ở thôn Thừa Liệt, xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà đúng lúc có một số cán bộ CCB xã, thôn và anh em hội viên đang cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm sử dụng vốn vay, cách đầu tư chăn nuôi có hiệu quả. Những năm 2000, hoạt động sản xuất, kinh doanh của ông Dịnh liên tục gặp khó khăn, không hiệu quả do dịch bệnh, giá đầu vào, đầu ra bấp bênh. Năm 2011, ông Dịnh được vay của NHCSXH 21 triệu đồng, cùng nguồn của Hội CCB xã và vay một số nguồn khác để tiếp tục mở rộng chuồng trại, mua thêm lợn nái về nuôi. Nhờ có kinh nghiệm chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh, lợn của ông Dịnh khỏe mạnh, có chất lượng tốt. Hằng năm, ông tích cóp vốn để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, trong chuồng nhà ông Dịnh thường xuyên có 3 - 4 con lợn nái, 60 - 70 con lợn thịt. Mỗi năm, ông Dịnh xuất chuồng khoảng 14 tấn lợn thịt. Cùng với các khoản thu từ trồng vải, ổi, quất, ông Dịnh thu lãi 100 - 200 triệu đồng/năm. Làm ăn hiệu quả, kinh tế của gia đình ông Dịnh ngày càng khá giả. Cuối năm 2011, ông Dịnh đã bỏ hơn 100 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp nhà ở.

Với số tiền vay của NHCSXH không nhiều nên các CCB đã linh hoạt trong cách sử dụng, lựa chọn được mô hình phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả. CCB Nguyễn Xuân Ngà ở thôn Vĩnh Long, xã Văn Đức, thị xã Chí Linh cho biết: “Nhận thấy điều kiện tự nhiên của địa phương có những bờ đê, ruộng cỏ tươi tốt phù hợp để chăn thả trâu, bò nên năm 2011, tôi quyết định vay NHCSXH 30 triệu đồng mua cặp bò, trị giá 15 triệu đồng về nuôi. Sau đó, tôi tiếp tục mua thêm một con bò mẹ. Cứ như thế, đàn bò của gia đình tôi ngày một đông đúc, lúc nhiều nhất có 4 con bò mẹ và 3 con bê. Cách đây mấy tháng, tôi đã bán 2 con bò mẹ và 2 con bê được hơn 70 triệu đồng. Nhờ số tiền bán bò, gia đình tôi đã trang trải được một số món nợ, trả lãi ngân hàng đúng hạn và nâng cao chất lượng cuộc sống của gia đình”.

Hiện nay, số CCB có nhu cầu vay vốn NHCSXH để phát triển kinh tế ngày một đông. Năm 2007, dư nợ NHCSXH của Hội CCB tỉnh đạt 91 tỷ đồng, đến nay đã đạt hơn 359 tỷ đồng, với 21.223 hộ vay. Nhờ sử dụng, khai thác hiệu quả nên số hộ CCB nghèo giảm rõ rệt từng năm, chất lượng cuộc sống được nâng cao. Năm 2007, tỷ lệ hộ CCB nghèo là 5,88% (tiêu chí cũ), đến nay, giảm còn 2,98% (tiêu chí mới). 10 năm qua, 18.151 hộ CCB đã thoát nghèo bền vững, 4.000 lượt HSSV là con CCB được vay vốn, tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động là CCB, con em CCB và người lao động.

Quản lý chặt chẽ

Để quản lý hiệu quả nguồn vốn vay, thời gian qua, Hội CCB các cấp đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH triển khai các hoạt động ủy thác vay vốn cho CCB. Hội chỉ đạo thành lập các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức thực hiện theo đúng quy định. NHCSXH lựa chọn các cán bộ có uy tín, tinh thần trách nhiệm cao, kinh nghiệm tham gia vào Ban quản lý tổ. Đối với các dự án đến hạn thu hồi, hội chủ động phối hợp với NHCSXH thu hồi, nhanh chóng lập dự án cho hộ mới vay tiếp, bảo đảm nguồn vốn quay vòng tối đa. Phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể giám sát, kiểm tra, quản lý nguồn vốn.

Ông Nguyễn Duy Lâm - Chủ tịch Hội CCB xã Văn Đức, thị xã Chí Linh cho biết: Hằng năm, hội phối hợp với NHCSXH tiến hành kiện toàn các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Các tổ họp bình xét hộ vay căn cứ vào kết quả phân loại hộ nghèo theo nguyên tắc dân chủ, công khai. Đối tượng được vay là những CCB thuộc diện nghèo, cận nghèo có khả năng trả nợ và ưu tiên hội viên nghèo làm chủ hộ vay trước. Sau đó, hội thông báo kết quả đến từng hộ và hướng dẫn các thủ tục, hồ sơ vay vốn nhanh chóng, thuận tiện. Cán bộ, hội viên thường xuyên tổ chức gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm, cách làm hay. Hằng năm, hội tiến hành bình xét những hộ CCB có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, gương sản xuất, kinh doanh giỏi từ sử dụng vốn vay để tuyên truyền nhân rộng. Hằng tháng, hằng quý, hội tổ chức kiểm tra, đánh giá việc sử dụng vốn của hội viên, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc nảy sinh. Hiện nay, các CCB xã được vay vốn đều đầu tư vào các mô hình kinh tế vừa và nhỏ đem lại hiệu quả cao như: nuôi trâu, bò, thả cá, nuôi lợn. Do làm ăn có lãi nên các CCB đều nêu cao trách nhiệm trong việc trả lãi, gốc đúng kỳ hạn. Xã không có tình trạng CCB sử dụng vốn vay không đúng mục đích phải thu hồi.

Hơn 10 năm qua, các cấp hội tổ chức được 1.315 lớp tập huấn cho 46.919 lượt cán bộ, hội viên CCB để nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý, sử dụng vốn vay. Hằng năm, 100% số cơ sở hội tự kiểm tra, Huyện hội phối hợp với NHCSXH kiểm tra 60 - 100% số Tổ tiết kiệm và vay vốn, Tỉnh hội kiểm tra 60 - 70% hội cấp huyện. Đến nay, hầu hết các CCB đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, rất ít trường hợp vay chung, vay ké, vay hộ và thường xuyên trả lãi, trả gốc đúng hạn. Trong các tổ chức hội mà ngân hàng cho vay vốn ủy thác, chất lượng tín dụng của Hội CCB tỉnh luôn đứng thứ hai, tỷ lệ nợ xấu bình quân ở mức dưới 0,1%. Đến nay, chưa có CCB nào không trả được khiến Nhà nước phải xóa nợ.

Bài và ảnh Hoàng Lâm

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác