Đồng hành phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn

27/11/2013
(VBSP News) Sau 3 năm thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn, NHCSXH tỉnh Ninh Bình đã cho 86.264 lượt khách hàng vay vốn với tổng số tiền là 1.318 tỷ đồng, chiếm 91% doanh số cho vay toàn tỉnh. Nguồn vốn ưu đãi đã đáp ứng kịp thời các nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới.
Tín dụng ưu đãi giải quyết cho nhiều lao động nông nhàn vùng nông thôn của tỉnh Ninh Bình Ảnh: Trần Quốc

Tín dụng ưu đãi giải quyết cho nhiều lao động nông nhàn vùng nông thôn của tỉnh Ninh Bình
                                                                                                                                                                                    Ảnh: Trần Quốc

Ông Đoàn Văn Nguyên - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Bình cho biết: Tổng dư nợ đến hết tháng 10/2013 tại khu vực nông nghiệp, nông thôn của đơn vị đạt 1.372 tỷ đồng với 84.395 hộ vay, tăng 368 tỷ đồng so với năm 2010, chiếm tỷ trọng 68% trên tổng dư nợ. Vốn vay đã giúp cho hơn 25.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo có vốn để đầu tư vào phát triển sản xuất, chăn nuôi; trên 42.000 HSSV được đi học; xây dựng và cải tạo gần 48.000 công trình nước sạch, vệ sinh đạt chuẩn; giải quyết việc làm cho trên 6.000 lao động; xóa trên 1.000 căn nhà dột nát cho hộ nghèo… Hiệu quả nguồn vốn tín dụng đã góp phần không nhỏ vào cải thiện diện mạo khu vực nông nghiệp, nông thôn.

NHCSXH tỉnh Ninh Bình xác định việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách và giải pháp hỗ trợ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41 của Chính phủ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Sau khi Nhà nước ban hành Thông tư số 14/2010/TT-NHNN hướng dẫn việc thực hiện Nghị định số 41 và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước tỉnh Ninh Bình, NHCSXH đã quán triệt đến toàn thể cán bộ trong hệ thống NHCSXH tỉnh. Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các phòng, ban và NHCSXH các huyện/thị xã căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao bám sát nội dung Nghị định, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.

Để nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và đến được với người nghèo khu vực nông nghiệp, nông thôn, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, các ngành, các cấp hội, đoàn thể nhận ủy thác Tổ tiết kiệm và vay vốn tuyên truyền phổ biến kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách, ngân hàng đã công khai các cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi theo từng thời kỳ, lãi suất cho vay theo từng chương trình, đối tượng được thụ hưởng và danh sách hộ vay vốn tại các Điểm giao dịch lưu động đặt tại UBND các xã/phường để người dân biết và tiếp cận.

Để có thêm nguồn vốn cho người nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn, đơn vị đã tranh thủ nguồn vốn của NHCSXH để đầu tư cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Chỉ đạo tập trung nguồn vốn đầu tư có trọng điểm cho các xã nghèo, vùng sâu, vùng xa…, đồng thời phối hợp với chặt chẽ với các hội, đoàn thế, các ban, ngành có liên quan để kịp thời đầu tư vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích, có chất lượng và hiệu quả cao.

Nhằm tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giảm tối đa thời gian giải quyết hồ sơ, ngân hàng đã thực hiện công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn, không thu bất kỳ khoản phí nào khi khách hàng vay vốn, thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm lãi tiền vay theo quy định. Tổ chức giao dịch tại UBND các xã/phường/thị trấn để phổ biến chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng và Nhà nước đến tận người dân; đồng thời tổ chức giải ngân, thu nợ tại xã để tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận thuận lợi với chính sách tín dụng ưu đãi và tiết kiệm chi phí cho các hộ vay vốn trả nợ ngân hàng.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn và đồng hành cùng với nông dân trong công cuộc giảm nghèo, ông Đoàn Văn Nguyên - Phó giám đốc NHCSXH tỉnh kiến nghị: UBND tỉnh nên trích ngân sách tỉnh từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi hằng năm chuyển cho NHCSXH để cho vay những hộ nghèo thuộc các xã đặc biệt khó khăn và hộ nghèo thuộc những xã thí điểm xây dựng Nông thôn mới của tỉnh.

Về phía Chính phủ, cần nâng mức cho vay Chương trình tín dụng NS&VSMTNT; cho vay giải quyết việc làm để phù hợp với chi phí, giá cả vật tư hiện nay. Phê duyệt và thông báo nguồn vốn cho vay đối với người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp để người dân có vốn chuyển đổi ngành nghề sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Bổ sung đối tượng cho vay đối với những gia đình kinh tế khó khăn có từ 2 con đi học trở lên nhưng không thuộc đối tượng hộ nghèo.

Theo Báo Ninh Bình

Ý KIẾN ĐỘC GIẢ

Các tin bài khác